Lý do siêu thị ngoại ngại nhập nông sản Việt

(DNTO) - Sản lượng không đủ, còn phụ thuộc vào mùa vụ, chất lượng không đồng đều, chế biến chưa sâu… khiến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam khó đứng tại thị trường ngoại.

Dù nhiều loại nông sản đã xuất khẩu thành công nhưng vẫn chưa thể cạnh tranh tốt với sản phẩm cùng loại từ Thái Lan, Trung Quốc. Ảnh: T.L.
Là công ty đưa hàng loạt nông sản OCOP như trà ổi, chuối sấy dẻo siro chanh, mật ong rừng, bưởi Diễn, cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc… sang châu Âu nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần R.Y.B (Hòa Bình) cũng thừa nhận, để đối tác đồng ý nhập khẩu sản phẩm đã khó, nhưng để sản phẩm duy trì chỗ đứng, tăng trưởng sản lượng thì còn khó hơn.
Bởi lẽ, tính chất của nông sản miền Bắc là theo mùa vụ. Ví dụ quả bưởi, quả cam đến tháng 11,12 mới đến mùa thu hoạch để xuất khẩu. Như vậy sẽ không thể đảm bảo đến số lượng hàng hóa đưa vào siêu thị. Người trồng vẫn tư duy trồng để bán trong nước là chủ yếu nên chưa có thói quen sản xuất, canh tác chuyên nghiệp.
“Có hệ thống siêu thị lớn họ nói với tôi rằng sẽ không nhập các sản phẩm mùa vụ, họ chỉ nhập sản phẩm có thể có quanh năm. Chưa kể, miền Bắc chưa chuyên môn hóa về vùng trồng, nên chưa đảm bảo độ ngon, ngọt đồng đều của quả nếu xuất khẩu số lượng lớn. Có khi 1 cây chỉ khoảng 20% sản lượng đạt về chất lượng, 80% là không đạt”, bà Hương cho biết.
Vì tính chất vụ mùa nên kể cả có chuyển từ xuất khẩu sản phẩm tươi sang các sản phẩm chế biến thì vẫn mang tính vụ mùa. Trong khi đó các cơ sở sản xuất không đổi mới công nghệ chế biến, nếu có đổi mới thì sẽ gia tăng giá thành sản phẩm. Do vậy, có sản phẩm công ty này đã xuất khẩu đến năm thứ 3 nhưng vẫn khó xây dựng thương hiệu, khó cạnh tranh vì có những sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc, Thái Lan với giá rẻ hơn rất nhiều.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết muốn xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu phải đảm bảo nguồn cung đồng đều. Nếu nông sản chỉ cung ứng 3 tháng, còn 9 tháng không có hàng thì không một hệ thống phân phối lớn nào chấp nhận chuyện đó.
Lấy ví dụ về thương hiệu nước ép dứa tươi Doveco, ông Khanh cho biết họ đang xuất khẩu rất tốt sang EU với thương hiệu của mình. Bởi họ đã xây dựng vùng trồng rất lớn ở Ninh Bình lên đến 2.600 ha, ngoài ra là mở rộng vùng trồng ở Thanh Hóa. Điều này giúp công ty đảm bảo được nguồn cung nước ép dứa ổn định.
Theo vị này, để nông sản Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, cần sự phối hợp của cả Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp, các cơ quan liên quan trong việc định hướng xây dựng vùng trồng, đổi mới phương pháp canh tác và có chiến lược xúc tiến thương mại rõ ràng.
“Quan trọng là phải định hướng được ngành hàng nào chúng ta có khả năng xây dựng thương hiệu, chứ không phải doanh nghiệp nào, sản phẩm nào cũng nên xông pha xây dựng thương hiệu. Đây là nhiệm vụ của các cơ quan thương vụ, thị trường trong việc nghiên cứu, tư vấn cho doanh nghiệp”, ông Khanh nói.

Xây dựng vùng trồng đủ lớn, canh tác theo phương pháp hiện đại để giảm phụ thuộc vào mùa vụ sẽ giúp nông sản Việt Nam duy trì chỗ đứng khi xuất khẩu. Ảnh: T.L.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Tính chung 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 5,64 tỷ USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả trên phần lớn nhờ sự đóng góp của việc xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Trung Quốc; ngoài ra là các loại trái cây rau củ chủ lực như chuối, mít, xoài, dưa hấu, chanh, chanh leo, các loại hạt..
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong các tháng cuối năm nhờ yếu tố mùa vụ. Bên cạnh đó, rau quả của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế tại các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Đặc biệt, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng ưa chuộng sầu riêng, chuối, vải, nhãn, mít, xoài, dưa hấu của Việt Nam, nhờ chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới.
Dù vậy, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trái cây của Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khá lớn tại thị trường xuất khẩu. Điển hình là thị trường Trung Quốc, nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phía Trung Quốc đang tự phát triển diện tích khá nhanh.
Sau 10 năm, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Đối với trái sầu riêng, Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha tại đảo Hải Nam và tìm cách tự chủ nguồn cung từ các nơi có khí hậu thuận lợi. Do đó, ngành hàng rau quả cần phải tạo ra và mang đến những giá trị thực sự của trái cây Việt Nam tới người tiêu dùng Trung Quốc.
“Chất lượng sản phẩm, hương vị đặc trưng và sự an toàn vệ sinh thực phẩm chính là những giá trị cốt lõi cần tập trung phát triển và duy trì. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thức được những giá trị này, họ sẽ trở thành những khách hàng bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam”, ông Hải khuyến nghị.