Hàng hóa Việt Nam trước những xu hướng mới tại thị trường Trung Quốc
(DNTO) - Thị trường 1,5 tỷ dân đang có nhiều chuyển dịch trong nhu cầu và xu hướng tiêu dùng. Việt Nam muốn tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này cần bám sát thị trường và chọn điểm đến phù hợp cho hàng hóa của mình.
Người tiêu dùng Trung Quốc có nhiều yêu cầu mới
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Nhập khẩu của ta từ thị trường này đạt 67 tỷ USD, tăng 34,7%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam.
Từ năm 2018 đến nay, kim ngạch thương mại giữa hai bên luôn duy trì con số trên 100 tỷ USD mỗi năm. Nhưng, con số này còn có thể tiếp tục tăng thêm nếu Việt Nam khai thác tốt thị trường tỷ dân.
Trao đổi trong hội nghị giao ban của Bộ Công thương với các Thương vụ hôm 2/7, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết kinh tế Trung Quốc trong những tháng đầu năm khởi sắc khá tốt, sản xuất tăng trưởng ổn định, nhu cầu tiêu dùng phát triển tích cực, cán cân thương mại cân bằng.
Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, thương mại hai bên tăng trưởng trên 20%. Hoạt động xuất nhập khẩu không chỉ tăng trưởng cao mà còn tăng trưởng cân bằng, nhất là các mặt hàng chế biến, chế tạo, nông sản. Sự phục hồi của các chuỗi cung ứng tiếp tục tác động tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của ta.
Việt Nam đã thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi. Hay các sản phẩm từ động vật, da trăn hay sừng trâu, sừng bò..., hai bên đã thống nhất về quy định lấy mẫu kiểm dịch động vật để các sản phẩm này xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Việc đăng kí mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp Việt Nam đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước bạn rất tốt.
“Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu hơn 230 tỷ USD nhóm hàng nông sản. Trong 5 tháng đầu năm nay, con số này lên tới gần 100 tỷ USD. Trong đó, có khoảng 10 nhóm mặt hàng luôn duy trì kim ngạch nhập khẩu trên 20 tỷ USD như thủy sản, trái cây, ngũ cốc... Đây đều là những nhóm mặt hàng Việt Nam có lợi thế nên cần tiếp tục khai thác tối đa lợi thế này để thúc đẩy xuất khẩu”, ông Lai cho biết.
Vị Tham tán cũng thông tin, hiện thị trường Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều xu hướng mới. Về sản xuất, Trung Quốc hiện theo xu hướng chất lượng cao, chuyển đổi xanh. Đặc biệt gần đây, nước này đã đề cập từ khóa “lực lượng sản xuất mới”. Tức tăng cường sử dụng công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, thúc đẩy phát triển.
Về thương mại, xu hướng thương mại điện tử ngày càng được nâng cấp. Rõ nét nhất là thương mại điện tử C2M (Consumer-to-manufacturer: từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất), thương mại điện tử qua biên giới.
Về ngành hàng, thị trường tỷ dân có xu hướng chuộng mặt hàng chế biến sẵn. Đây là những ngành hàng rất tiềm năng và có nhiều cơ hội cho Việt Nam. Ví dụ thủy sản, không nên chỉ xuất khẩu thủy sản tươi sống mà cần có thêm các mặt hàng chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu thị trường.
“Các ngành hàng Việt Nam cần tận dụng xu hướng này để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Trung Quốc”, ông Lai nói.
Không để sản phẩm 'gặp vấn đề'
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho biết Trung Quốc là một thị trường quan trọng với Việt Nam và còn nhiều tiềm năng khai thác. Vì vậy, các địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tập trung nghiên cứu thị trường và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của ta.
“Nước nào cũng muốn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, trong khi chúng ta ở ngay bên cạnh họ, nếu không khai thác tốt thì một phần là lỗi của chúng ta. Trong chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc mới đây, lãnh đạo cấp cao hai bên ủng hộ thúc đẩy thương mại hai nước, quan trọng là các cơ quan bên dưới triển khai cụ thể ra sao”, ông Long nói.
Thực tế, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết nhiều năm nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản rất lớn nhưng cũng là quốc gia có số lượng lô hàng bị cảnh báo nhiều nhất, đặc biệt nhóm mặt hàng nông sản, thực phẩm.
Đồng tình quan điểm này, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, cho biết thời gian qua, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với mặt hàng thế mạnh của ta là nông sản.
“Nhân tiện có các địa phương ở đây, chúng ta cố gắng chú trọng việc bảo đảm chất lượng nông sản. Bởi hiện nay trong bối cảnh thế giới phẳng, nếu việc xuất khẩu sang một thị trường gặp vấn đề thì các thị trường còn lại sẽ đồng loạt áp dụng các biện pháp tương tự”, ông Sơn nói.
Vị này kiến nghị với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt là các thương vụ ở các địa bàn quan trọng cần thúc đẩy công tác nghiên cứu thị trường, ngoài nhiệm vụ xúc tiến thương mại.
“Các báo cáo đánh giá tình hình, dự báo tác động, xu thế, động thái giữa các nền kinh tế lớn... là đầu vào rất quan trọng cho các đơn vị trong nước tiến hành đánh giá, phân tích tình hình, đưa ra các đối sách trong bối cảnh các nền kinh tế với những cạnh tranh chiến lược đang ảnh hưởng rất lớn đến xu thế kinh tế thương mại toàn cầu. Đây sẽ là tác động qua lại để chúng ta lựa chọn ngành hàng, chiến lược và bước đi tiếp theo”, ông Sơn kiến nghị.
Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết thị trường Trung Quốc rất rộng, mỗi địa phương có thị trường riêng và nhu cầu về văn hóa ẩm thực, tiêu dùng khác biệt. Ví dụ Quảng Đông có nhu cầu nông thủy sản; Sơn Đông có nhu cầu với nhóm mặt hàng cao su. Vì vậy các địa phương cần có chiến lược lựa chọn địa bàn xúc tiến xuất khẩu cho phù hợp. Thương vụ kiến nghị Bộ Công thương nên dành nguồn lực để kết nối với các địa phương, các khu vực phía Tây, miền Trung, Đông Bắc của Trung Quốc. Khi có sự ủng hộ của các địa phương sẽ hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia tìm hiểu, khai thác thị trường này.
“Qua quá trình theo dõi, chúng tôi nhận thấy có nhiều đoàn từ các địa phương của ta sang Trung Quốc nhưng đến các khu vực trùng lặp nhau. Vì vậy trước khi đi khảo sát thị trường, các địa phương, hiệp hội nên kết hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để bàn bạc, lựa chọn đến các địa phương phù hợp với sản phẩm, thế mạnh của mình”, ông Lai nói.