Cửa sáng với xuất khẩu nửa cuối năm 2024
(DNTO) - Sự phục hồi xuất khẩu trong nửa đầu năm là điểm tựa cho xuất khẩu cuối năm khi các đơn hàng trở lại, năng lực của doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
Góp nhặt cơ hội
Nửa đầu năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 369,59 tỷ USD, tăng 16,03% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD, theo Bộ Công thương
Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch ước đạt 188,97 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của nhóm chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 159,92 tỷ USD, chiếm 84,63% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm sản phẩm có lượng xuất khẩu tăng cao vài chục % như máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết yếu tố giúp nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì vị trí đầu tàu xuất khẩu là do thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường. Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, việc xuất khẩu sang các thị trường chủ lực, truyền thống bị thu hẹp (năm 2023, xuất khẩu sang Mỹ giảm 11,2%, sang EU giảm 4,8% và sang Hàn Quốc giảm 2,5%), thì ngành đã tìm xuất khẩu sang các thị trường mới như Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á, châu Phi.
Bước sang đầu năm nay, sự phục hồi của nền kinh tế cùng những nỗ lực đa dạng hóa thị trường đã giúp hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến khởi sắc. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng cao, doanh nghiệp đang tận dụng thời cơ để tăng tốc, hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất, kinh doanh trong năm nay.
Đối với lĩnh vực nông sản, đây tiếp tục là điểm sáng về tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, với mức tăng 18,8% so với cùng kỳ, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18,21 tỷ USD. Một số mặt hàng nông sản tăng cao như: cà phê, gạo, chè các loại, rau quả, nhân điều, hạt tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự báo xuất khẩu rau quả năm nay có thể tiếp tục đạt mức tăng trưởng 2 con số từ 15 - 20%. Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ các nghị định thư đã có, xuất khẩu rau quả có thể tăng 0,5 - 1 tỷ USD so với kế hoạch cuối năm ngoái.
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương), nhận định, thị trường thế giới phục hồi và dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn đã giúp số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới gia tăng. Ngoài ra, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc... trong thời gian qua, giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
“Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI. Niềm tin của doanh nghiệp cũng được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới“, ông Sơn nói.
Sát sao với thị trường
Dù đã đạt được kết quả tích cực trong nửa đầu năm, tuy nhiên, theo ông Sơn, hoạt động xuất khẩu vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đó là giá trị xuất khẩu tăng nhưng một phần là do nhiều mặt hàng tăng giá thành (nông sản, năng lượng), tăng giá cước vận tải (do tác động của các xung đột chính trị) và sự lên giá của đồng USD.
Giá xuất khẩu một số nhóm hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, cà phê… tăng mạnh tuy giúp tăng giá trị xuất khẩu nhưng tiềm ẩn nguy cơ xáo trộn nguồn cung vì tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, nhà cung cấp chưa cao. “Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu gạo bỏ giá đấu thầu tại nước ngoài thấp hơn giá bán trong nước”, đại diện Bộ Công thương cho biết.
Mặc dù các ngành hàng đã nỗ lực mở rộng thị trường nhưng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường mới chưa cao, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Mỹ… tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật mới liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Để tạo thuận lợi cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho biết Bộ luôn duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo hệ thống Thương vụ thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Từ đó Bộ và các cơ quan liên quan sẽ đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Bộ cũng sẽ chủ động theo dõi để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước vụ kiện phòng vệ thương mại, đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương, tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.