Nhập siêu trở lại sau 2 năm, chuyên gia nói không cần quá lo lắng
(DNTO) - Tháng 5/2024 là tháng đầu tiên Việt Nam nhập siêu sau gần 2 năm duy trì tốc độ xuất siêu hàng tháng. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng vấn đề này chưa đáng lo ngại.
Sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao. Điều này đã khiến nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng.
Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng tới 33,1% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc tăng 6,6%; từ ASEAN tăng 17%; từ Nhật Bản tăng 10,7%; từ EU tăng 11,3% và từ Hoa Kỳ cũng tăng 3,7%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2024 ước đạt 33,81 tỷ USD, tăng 12,8% so với tháng trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (tăng 5,7%) và tăng tới gần 30% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu từ khu vực kinh tế trong nước tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,7%.
Do tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu cao hơn nhiều so với tốc độ trưởng trưởng của xuất khẩu nên cán cân thương mại tháng 5 ước tính nhập siêu 1,0 tỷ USD.
Như vậy, tháng 5/2024 là tháng đầu tiên Việt Nam nhập siêu sau gần 2 năm duy trì tốc độ xuất siêu hàng tháng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết.
“Nhờ nhu cầu hàng hóa tăng mạnh, các công ty thu hút được khách hàng và các đơn đặt hàng mới, số lượng đơn đặt hàng mới tại các doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 5/2024 đạt 50,3 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành đã cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp, trong đó nổi bật là sản lượng ngành sản xuất tăng tháng thứ hai liên tiếp“, bà Thắng phân tích.
TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho biết việc nhập siêu quay trở lại trong một vài tháng chưa phải là hiện tượng đáng lo ngại. Bên cạnh đó, cần xét đến cơ cấu hàng hóa nhập khẩu. Tức phải xem sự gia tăng lượng hàng hóa cần nhập khẩu với nhóm hàng hóa cần hạn chế nhập khẩu.
Trong 5 tháng qua, chiếm 88,8% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch ước đạt 132,16 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm tương đối ổn định so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 7,85 tỷ USD. Tuy nhiên, có một số mặt hàng cần hạn chế nhập khẩu nhưng lại có kim ngạch nhập khẩu tăng cao như: hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 24,1%; rau quả tăng 13,1%, cần chú ý.
“Diễn biến này chưa thể xác định rõ ảnh hưởng đến cán cân thương mại hàng hoá cả năm”, ông Bình nhận định.
Bên cạnh đó, nhìn vào số liệu nhập khẩu cho thấy, các mặt hàng nhập khẩu tập trung vào các nguyên liệu then chốt cho sản xuất như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,3%; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt tăng 15,4%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 27,6%; thép các loại tăng 28,3%; dây điện và cáp điện tăng 25,6%; chất dẻo nguyên liệu tăng 17,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 15,4%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 20,8%; vải các loại tăng 13,3%...
Theo các chuyên gia, việc tăng nhập khẩu nguyên liệu chủ chốt ở thời điểm này có thể thúc đẩy 20-30% xuất khẩu của Việt Nam trong nửa cuối năm nay.
“Có thể coi đây là động thái tích trữ hàng giá rẻ để đón đầu nhu cầu tiêu thụ quay trở lại sau chuỗi tăng trưởng ảm đạm, đồng thời đối phó với rủi ro về chính sách thuế”, chuyên gia cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, trong 5 tháng đầu năm nay, cả 3 lĩnh vực chính của ngành Công Thương (gồm sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thị trường trong nước) đồng thời cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế. Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
“Tín hiệu mới tích cực là khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gần gấp 2 lần doanh nghiệp FDI và niềm tin được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới“, Thứ trưởng Thắng nhận định.