Giá nông sản tăng cao hơn 50% so với cùng kỳ và câu chuyện đường dài để duy trì nhịp tăng trưởng
(DNTO) - Giá nông sản đang đạt đỉnh kỷ lục, doanh nghiệp ngành hàng mừng vì lợi nhuận cao hơn. Tuy vậy, "bắt sóng" tăng giá cũng là bài toán rủi ro nếu mở rộng diện tích thiếu bền vững, chưa kể là bài toán cân đối chi phí, giá đầu ra rất khó dự báo và chủ động do thiếu tư duy hợp tác.
Giá nông sản sẽ tiếp tục 'bỏng tay' hết quý 2
Thông thường giá lợn hơi xuất chuồng giảm vào mùa hè, bởi khi thời tiết nóng, người tiêu dùng ăn thịt ít hơn so với khi thời tiết lạnh. Thế nhưng năm nay thị trường thịt lợn hơi diễn biến trái quy luật, hiện tại giá lợn hơi xuất chuồng gần chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng kg so với hồi mùa xuân và hiện đang ở mức cao nhất trong 5 năm qua…
Theo các hệ thống khảo sát giá nông sản, riêng trong ngày 27/5, giá lợn hơi tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg so với ngày trước đó và đã đạt đỉnh 5 năm, ở mức 68.000-69.000 đồng/kg. Giá heo tăng đã giúp nhiều doanh nghiệp chăn nuôi xoay chuyển tình thế kinh doanh như Tập đoàn Dabaco Việt Nam ghi nhận lãi trở lại gần 73 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, xoay chuyển so với con số lỗ 321 tỷ đồng cùng kỳ...
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh mặt hàng heo, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản ước đạt 11,98 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,69% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu sang châu Á tăng 19,8%; châu Mỹ tăng 24,6%; châu Âu tăng 38,6%; châu Đại Dương tăng 26% và châu Phi tăng 33,3%. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất nông sản Việt Nam.
Đơn cử, đầu năm, giá cà phê chỉ neo ở mức 70.000 đồng/kg nhưng tới nay đã tăng 63% lên 114.000 đồng. Mức này gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước tới nay. Tương tự, sầu riêng, ca cao cũng lập kỷ lục giá mới trong quý 1 với mức tăng gấp đôi so với đầu năm. Trong đó, sầu riêng trong tháng 3 đã có thời điểm tăng lên 230.000 đồng/kg, sau đó quay đầu hạ nhiệt do vào chính vụ. Với ca cao, giá mỗi kg quả tươi đang được mua là 7.000-8.000 đồng/kg, tăng 60% so với cùng kỳ 2023. Cùng với đó là giá gạo tăng 36,5%; chè các loại tăng 25,5%; rau quả tăng 32,1%; nhân điều tăng 21,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Bên cạnh những mặt hàng "hot", thời gian gần đây ngành nông sản xuất khẩu có thêm nhiều "tân binh" mới, phải kể đến là trái dừa tươi khi xuất khẩu mặt hàng này không chỉ tăng tới 3 con số mà giá dừa tươi tại vườn cũng tăng tới 50 - 60%, lên mức 110.000 - 120.000 đồng/chục (12 trái). Theo nông dân các địa phương, xuất khẩu tăng vọt đẩy giá các nông sản liên tục lập đỉnh giúp họ có lãi cao. Mỗi ha, người dân có lãi 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng (tùy loại nông sản).
Chuyên gia cho rằng, giá các loại nông sản sẽ tiếp tục duy trì mức cao vì nhu cầu trên thị trường thế giới lớn, trong khi nguồn cung toàn cầu suy giảm. Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hoá Việt Nam chia sẻ: "Các mặt hàng nông sản có tính chất mùa vụ, không thể bổ sung nguồn cung ngay lập tức. Vì vậy, kể cả khi không tăng thêm, tôi cho rằng, giá nông sản vẫn tiếp tục neo ở vùng giá cao trong ngắn và trung hạn. Ít nhất là đến hết quý 2 năm nay".
Bài toán tăng giá trị bền vững
Dù có kinh nghiệm lâu năm, song trước “sóng” tăng giá của ngành hồ tiêu cũng như một số mặt hàng nông sản, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Công ty CP Prosi Thăng Long không khỏi bày tỏ lo ngại. "Đến thời điểm này, chúng tôi đã nhận được một số đơn hàng cho quý 2, nhưng giá cao đột biến, lại khó đoán định, nên bản thân doanh nghiệp cũng đối mặt rủi ro về việc đáp ứng đơn hàng của đối tác".
Với ngành cà phê, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group đánh giá, giá cà phê đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đây là mức giá trong mơ của người nông dân. Song đồng thời cũng chỉ ra nghịch lý, thông thường, mọi năm, đây là thời điểm thương nhân đã bán ra và chỉ chờ giao hàng, nhưng năm nay, có hiện tượng thương nhân hạn chế bán ra, chờ giá lên cao hơn nữa. “Giá cà phê đã quá cao rồi. Khả năng rủi ro rất cao và khó đưa ra dự báo cho giá cà phê hiện nay”, ông Nam lo lắng.
Điều đáng nói, đón sóng tăng giá, song câu chuyện của ngành lúa gạo thể hiện qua kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa của nhiều doanh nghiệp lớn. Đơn cử, giá gạo xuất khẩu cao giúp doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời trong quý 1 đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, do biên lợi nhuận giảm cùng với chi phí tài chính tăng khiến lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ghi nhận âm 86,4 tỷ đồng, cao hơn mức âm 77,2 tỷ đồng của quý I năm trước.
Mới đây, "ông trùm" lúa gạo Lộc Trời vừa phải xin lỗi nông dân vì sự cố nợ tiền mua lúa. Theo Lộc Trời, việc chậm thanh toán là do các yếu tố khách quan như chậm dòng tiền từ khách hàng và ngân hàng dù công ty đã có nhiều nỗ lực, chấn nhận bán lúa khô với giá thấp để có tiền mặt. Hay Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng gặp tình trạng tương tự. Sau khi trừ các chi phí, Trung An báo lãi sau thuế là 2,7 tỷ đồng, giảm mạnh 67% so với cùng kỳ năm trước, nguyên nhân được doanh nghiệp cho biết do chi phí sản xuất tăng cao hơn cùng kỳ mọi năm.
Trước "sóng" tăng giá của nhiều mặt hàng nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, giá cả đầu ra luôn là điều chúng ta không quyết định được, bởi quy luật cung cầu. Nhưng có một điều mà chúng ta quyết định được là giảm chi phí đầu vào, kéo giảm đầu vào một đồng, tức là thu nhập tăng thêm một đồng. Muốn giảm chi phí, giảm rủi ro về giá đầu ra phải có tư duy hợp tác.
Bộ trưởng nhấn mạnh, rủi ro về giá hầu hết là người nông dân không tham gia vào hợp tác xã, không tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ… do vậy, khi chúng ta nhìn ra cấu trúc ngành hàng, thì cần nhìn ra trên một đơn vị diện tích sẽ tăng bao nhiêu giá trị, chứ đừng nghĩ rằng hạt gạo hôm nay giá bao nhiêu.
Từ những thực tế trên có thể thấy rằng, ngành nông nghiệp đang đạt kết quả khá tích cực nhưng rủi ro cũng không ít. Cùng với đó, việc nâng cao thêm giá trị trên một đơn vị diện tích cần phải đẩy mạnh, tránh tình trạng giá cao ồ ạt trồng, giá thấp chặt bỏ.
“Phải xác định rõ, giá lúa lên đến một mức nào đó cũng sẽ dừng, vậy nên nông dân cần biết cách phát triển trên một đơn vị diện tích này có thể trồng thêm cây này, nuôi thêm vật kia để gia tăng thêm giá trị”, Bộ trưởng nói, đồng thời cho rằng, để để duy trì nhịp tăng trưởng ổn định của ngành nông nghiệp, cũng cần có các giải pháp đồng bộ hỗ trợ toàn ngành phát triển theo chuỗi để đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm.