Tái định vị các giá trị gia tăng giúp hàng xuất khẩu chủ lực Việt giữ vững phân khúc thị phần cấp cao
(DNTO) - Thực tế, nhờ phát huy lợi thế hàng giá trị gia tăng trong hoạt động xuất khẩu, nhiều mặt hàng nông sản Việt có những đối tác chủ lực đã tăng sản lượng đặt hàng đến 50%. Không chỉ góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng tầm thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Lựa chọn chiến lược cho mặt hàng chế biến
Ngoài những điểm nghẽn từ giá thành cao do các loại chi phí sản xuất, logistics, vốn vay đều ở mức cao đang là điểm yếu của nông sản Việt trên “đường đua” quốc tế. Mới đây, nhận định tại đại hội cổ đông thường niên 2024, ngày 25/4, lãnh đạo các doanh nghiệp trần tình, rủi ro thị trường xuất khẩu khi những thay đổi trong xu hướng, tư duy thương mại hiện nay, đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua mà bắt buộc phải thích nghi với chiến lược mới.
Các chuyên gia cho rằng, "sóng gió" thị trường những năm qua cho thấy, lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến giá trị gia tăng sẽ là phù hợp hơn cho doanh nghiệp nông sản Việt Nam. Do vậy, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là tại các thị trường tiềm năng cho Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản.
Rõ ràng, nhìn từ tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu cá tra chế biến giá trị gia tăng hay sự ưa chuộng của khách hàng quốc tế đối với sản phẩm chế biến từ cây mía hoặc cơ hội nâng cao giá trị ở ngành hàng cà phê..., để thấy việc phát huy lợi thế hàng giá trị gia tăng trong xuất khẩu nông sản Việt đang là bài toán bắt buộc. Điều đó không chỉ giúp các doanh nghiệp thực hiện những đơn hàng mới với mức giá tốt hơn mà còn tránh “lãng phí” khoảng trống nâng cao giá trị.
Ngày 6/5, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) dự báo, giá cá tra xuất khẩu có thể sẽ được điều chỉnh tăng ít nhất 10% so với giá hiện tại trong nửa cuối năm nay và dự kiến tình hình xuất khẩu sẽ tốt hơn từ quý 3/2024. Điểm đáng chú ý là xuất khẩu cá tra chế biến giá trị gia tăng sang hai thị trường chủ lực là Trung Quốc và Mỹ.
Cụ thể, Trung Quốc và Hồng Kông đã mua từ Việt Nam hơn 305 nghìn USD mặt hàng cá tra chế biến giá trị gia tăng, tăng 40%, còn Mỹ nhập khẩu mặt hàng này có giá trị đạt 559 nghìn USD, tăng gấp 449% so với cùng kỳ năm 2023.
Chẳng hạn, để giữ vững phân khúc thị phần cấp cao, "ông lớn" trong ngành tôm Sao Ta (FMC), nhấn mạnh sách lược cho sắp tới là cần nâng cao trình độ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Chẳng hạn như doanh nghiệp chế biến tôm giờ làm thêm há cảo, xíu mại…; doanh nghiệp cá làm thêm nông sản, thêm bánh… và tất cả là hàng chế biến cao.
Hay thông tin mới đây về sản phẩm nước mía ép nguyên chất đóng lon của CTCP mía đường Lam Sơn (Lasuco) ở Thanh Hóa đang được phân phối khá hiệu quả tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị ở thành phố biển Miami, bang Florida (Mỹ). Dù mới được đưa vào thị trường Mỹ cách đây 2 tháng song sản phẩm nước mía đóng lon “made in Vietnam” rất được người tiêu dùng ở đây ưa chuộng.
Thậm chí doanh nghiệp còn sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nước mía có tính “bắt trend” khi phối trộn với nước dừa, nước dừa, nước tắc, nước chanh dây…, qua đó giúp tạo giá trị gia tăng cho nông sản Việt. Đây được xem là tín hiệu vui, mở ra cơ hội nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt, cũng như đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về xuất khẩu bền vững.
Hướng đến công nghệ cao để nâng tầm thương hiệu
Ngoài phát huy lợi thế hàng giá trị gia tăng cho nông sản Việt, hiện một số doanh nghiệp nổi trội như GC Food, Vinamit, thủy sản Nam Việt… đang nỗ lực tái định vị lợi thế cạnh tranh thông qua công nghệ cao, mở rộng nhà máy sản xuất và vùng trồng nguyên liệu, khép kín chuỗi giá trị, đa dạng thị trường. Việc am hiểu về chất lượng và tiêu chuẩn là điều mà các doanh nghiệp chế biến nông sản cần làm trong lúc này để nâng tầm thương hiệu.
Nhằm tăng thêm lợi thế cạnh tranh, chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2024, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT của GC Food, cho biết trong năm nay sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng 2 nhà máy chính nhằm chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao với nguồn nguyên liệu từ cây nha đam, dừa và một số loại nông sản.
Việc mạnh tay đầu tư mở rộng nhà máy chế biến dự kiến sẽ giúp công ty này tăng công suất gấp đôi, sản lượng sản xuất tăng tương ứng 150%. GC Food đang cố gắng đáp ứng các yêu cầu từ đơn hàng của đối tác và đưa ra các hỗ trợ về sản lượng, chính sách giá. Nhờ đó có những khách hàng chủ lực đã tăng sản lượng đặt hàng đến 50%. Cùng với đó, việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật cao nhằm tiết giảm chi phí trong khâu chế biến cũng được kỳ vọng giúp tăng lợi nhuận trong năm nay gấp đôi so với năm 2023.
“Về mặt chiến lược, chúng tôi tái định vị là công ty công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thực phẩm. Điều này đòi hỏi việc tăng quy mô sản xuất, tìm các giải nâng cao hiệu quả vùng nguyên liệu, gia tăng khả năng tự cung cấp nguyên liệu đối với các công ty thành viên”, ông Thứ cho hay.
Hoặc với một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu thủy sản như CTCP Nam Việt (ANV), đặt ra mục tiêu trọng yếu là đưa công ty trở về vị trí dẫn đầu của ngành thủy sản bằng việc tận dụng các lợi thế sẵn có với chuỗi giá trị khép kín từ chế biến thức ăn thủy sản, nuôi trồng cho đến chế biến xuất khẩu. Đồng thời, công ty sẽ phát triển đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cá tra, đa dạng hóa thị trường, duy trì phát triển bền vững.
Chia sẻ chiến lược "dài hơi", ông Doãn Tới, Tổng giám đốc của ANV, cho hay, công ty sẽ tiếp tục phát triển chuyên sâu, áp dụng công nghệ cao và hoàn thành chuỗi giá trị khép kín. Đầu tư sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu thu được trong chuỗi sản xuất từ nuôi trồng cho đến chế biến xuất khẩu như sản xuất sản phẩm Collagen, Gelatin, Surimi…
Ngoài ra, tạo đà cho hàng xuất khẩu chủ lực Việt chen chân vào phân khúc thị phần cấp cao thì sự hỗ trợ cần thiết về mặt chính sách là điều cực kỳ quan trọng và cần hết sức tránh “đẻ” thêm những quy định bất cập có tính cản trở sức cạnh tranh.
Đơn cử như chính sách về thuế Giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ xuất khẩu. Trong góp ý mới nhất về Dự thảo luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chỉ rõ việc phải chịu thuế suất 10% khi xuất khẩu sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ cho nước ngoài của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác. Bởi lẽ, theo tìm hiểu sơ bộ của VCCI, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào.
Từ những vấn đề nêu trên để thấy, "khắc chế" mặt yếu của nông sản Việt trên đường đua quốc tế trong bối cảnh quá nhiều bất lợi là không hề đơn giản. Đòi hỏi sự đồng hành của Chính phủ với các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.