Đón dòng tiền đầu tư tăng mạnh, xuất khẩu nhiều ngành hàng chủ lực tăng tốc trong tháng 5
(DNTO) - Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực, từ Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2024 đều ở mức 2 con số, nhờ đó, xuất khẩu tăng thêm gần 21 tỷ USD so với cùng kỳ. Các chuyên gia nhận định, dù xuất khẩu hàng hóa phục hồi tích cực song không thể chủ quan.
Mỹ, Trung Quốc, EU ồ ạt nhập hàng Việt
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê ngày 29/7, cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực, từ Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2024 đều ở mức 2 con số, nhờ đó, xuất khẩu trong tháng 5/2024 gần chạm mức 33 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng 4, lũy kế 5 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng tăng thêm 20,72 tỷ USD).
Với kết quả trên, bình quân trọng 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cả nước đạt bình quân 31,35 tỷ USD/tháng. Trong đó, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,0% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 65,3%).
Đáng chú ý, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng, đứng đầu là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27.379 sau 5 tháng, tăng 33,4% so với cùng kỳ, điện thoại và linh kiện tăng 11,6%, máy móc thiết bị, dụng cụ PT khác tăng 11,8%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,5%.
Còn nhớ, xuất khẩu điện thoại và linh kiện 4 tháng đầu năm chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ, nhưng nhờ kim ngạch xuất khẩu riêng trong tháng 5 đạt 4,4 tỷ USD, góp phần đáng kể vào mức tăng 5 tháng lên 2 con số là 11,6%. Việt Nam tiếp tục khẳng định là địa chỉ cung ứng hàng hóa uy tín, được nhiều nhà mua hàng lớn trên toàn cầu lựa chọn đặt hàng.
Minh chứng, 5 tháng qua, Mỹ đã mua hàng từ các nhà cung ứng nước ta với trị giá 44 tỷ USD, là mức tăng ấn tượng hơn 20% so với cùng kỳ. Riêng tháng 5/2023, thị trường Mỹ nhập từ Việt Nam gần 10 tỷ USD hàng hóa. Xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường lớn thứ 2 cũng ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ, đạt 22,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, xuất khẩu sang EU cũng chứng kiến đà cải thiện mạnh mẽ, đạt 20,7 tỷ USD, tăng 16,1%, sang Hàn Quốc 10,4 tỷ USD, tăng 12,8%, sang ASEAN đạt 15,3 tỷ USD, tăng 12%, Nhật Bản 9,5 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Cộng gộp các thị trường kể trên đã đóng góp 122,5 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng.
Đón sóng phục hồi, kết quả xuất khẩu của những ngành hàng chủ lực đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của cả nước, tạo đà cho việc thực hiện những kế hoạch thời gian tiếp theo. Đơn cử, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 15 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng này, mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được đặc biệt nhu cầu ngành gỗ với các thị trường như Mỹ được đẩy mạnh vào thời điểm cuối năm.
Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng đua nhau bão lãi đột phá trong quý 1 vừa qua. Đơn cử, tại gỗ Phú Tài, trong 3 tháng đầu năm, ghi nhận lãi ròng gần 90 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, trong quý 2/2024, đặt kế hoạch doanh thu 1.548 tỷ đồng tăng 3% và lợi nhuận 117,4 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ. Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, PTB ghi nhận doanh thu 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận 225,7 tỷ đồng.
"Doanh thu tăng do tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu đang có tín hiệu phục hồi, lượng hàng tồn kho của khách sau thời gian dài đặt hàng không còn nhiều. Lợi nhuận tăng do công ty cũng không còn giảm giá bán nữa", ban lãnh đạo doanh nghiệp lý giải.
Cần theo dõi kỹ diễn biến thị trường
Trước đó, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam bất ngờ nhập siêu hơn 2,6 tỷ USD trong 2 tuần đầu của tháng 5, các chuyên gia nhận định cần theo dõi kỹ diễn biến thị trường và hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới. Số liệu nhập siêu trong 2 tuần chưa nói lên điều gì, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ mang yếu tố mùa vụ, phụ thuộc đơn hàng sản xuất nên cần nhìn dài hơi hơn.
Cụ thể, nếu tính đến giữa tháng 5, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thặng dư 6,36 tỷ USD, thấp hơn con số 6,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là tích cực. Quý 1, kinh tế Việt Nam thể hiện đà tăng trưởng và khả năng phục hồi khá, trong đó phải kể đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu đang diễn ra mạnh mẽ. Xuất khẩu được thúc đẩy nhờ nhu cầu về thiết bị điện tử và điện thoại...
Song, bất lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu phải lưu ý là xung đột quanh khu vực Biển Đỏ chiếm 12% thương mại toàn cầu với 17.000 tàu đi qua hàng năm có thể khiến cho chi phí giao hàng cao hơn và sự gián đoạn trong mạng lưới vận chuyển. Điều này sẽ gây tổn hại không nhỏ cho cả các nhà xuất khẩu, nhà sản xuất và chuỗi cung ứng trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam.
"Các đơn đặt hàng sẽ bị gián đoạn bởi sự chậm trễ và chi phí cao hơn và do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất", ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, phân tích.
Ở góc nhìn khác, mới đây Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM) đánh giá, về lâu dài, doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về chuyển đổi xanh của kinh tế thế giới. Trong đó, phải kể đến việc khối EU cảnh báo sẽ áp dụng thuế carbon đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến môi trường, thải khí nhà kính... Do đó, ông Ngân kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề chuyển đổi xanh.
"Để giữ vững đà tăng trưởng, ngoài hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội trong các Hiệp định, cần có chính sách nới lỏng chi phí về logistics, chi phí sản xuất… Quan trọng nữa là phải khơi thông được dòng vốn. Hiện nay, lãi suất vốn vay có giảm nhưng điều kiện để vay thì rất khó, doanh nghiệp không dễ tiếp cận. Bên cạnh đó là một số khó khăn về hoàn thuế VAT, quản trị rủi ro trốn thuế", đại biểu nhấn mạnh.