Áp lực bủa vây, cần những cú huých mạnh để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu
(DNTO) - Dù Ngân hàng Nhà nước mới đây đã phát đi thông báo sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp tỷ giá, song tỷ giá USD/VND tại ngân hàng và thị trường tự do vẫn nóng. Áp lực tỷ giá đang tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Tỷ giá USD/VND vẫn chưa hạ nhiệt khiến không ít các công ty có hoạt động nhập khẩu chịu bất lợi. Các chuyên gia cho rằng, thông thường khi tỷ giá tăng, chi phí của những hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng lên, từ đó khiến nhiều mặt hàng, dịch vụ bị ảnh hưởng và tác động đến tình hình lạm phát ở trong nước.
Tỷ giá "leo thang" còn khiến chi phí du lịch của khách nước ngoài vào Việt Nam đắt đỏ hơn, làm giảm sức cạnh tranh. Cùng với đó, những doanh nghiệp vay nợ nước ngoài bằng đồng USD lớn và nợ công (vay nước ngoài) sẽ phải chi thêm khoản tiền từ việc chênh lệch tỷ giá. Việc này gây áp lực cho doanh nghiệp và tác động đến cân đối thu chi ngân sách.
Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề "Gỡ khó về vốn và thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu", ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food), cho biết, do ảnh hưởng xung đột ở Trung Đông, các khách hàng của GC Food tại Trung Đông đang tạm dừng mua hàng do khó khăn trong vận chuyển, thanh toán, tiêu dùng giảm. Tuy vậy, GC Food vẫn giữ quan hệ với các khách hàng này để chờ thị trường hồi phục.
Tại các thị trường xuất khẩu khác của GC Food là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN…, các khách hàng cũng gặp khó khăn do đồng nội tệ giảm giá so với USD. Do đó, khách hàng đề nghị GC Food giảm giá để bù đắp trượt giá. Để giữ thị trường, doanh nghiệp này đã phải giảm giá cho một số hợp đồng, trong khi chi phí đầu vào đăng tăng, khiến biên lợi nhuận sụt giảm, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh.
Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam Nguyễn Văn Kết chia sẻ, biến động tỷ giá đầu năm nay là vấn đề đã được nhiều chuyên gia dự báo. Nếu tiền đồng mất giá 2 - 3% với các giao dịch chính thức đã nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp. Dẫu vậy, đến nay tỷ giá đã tăng gần 5%, trong khi giá nguyên phụ liệu vẫn duy trì ở mức cao do giá xăng dầu có xu hướng tăng, chi phí đầu vào, vận chuyển quốc tế đắt đỏ. Cộng thêm giá điện được dự kiến tăng, chi phí tiền lương có thể tiếp tục tăng khoảng 5%-10%... khiến doanh nghiệp khó khăn chồng chất.
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng cho hay, các doanh nghiệp trong ngành thép đang tìm kiếm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay vì nhập khẩu. Cùng đó, họ sẽ phải tìm mọi cách hạ giá, tiết kiệm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhưng nếu tỷ giá không giảm về cuối năm hoặc tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp rất khó khăn.
Trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp nhập khẩu cần chú ý tới các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, đồng thời cân nhắc kỹ lưỡng các điều khoản trong hợp đồng vay ngoại tệ (có thể thỏa thuận điều kiện lãi suất thả nổi khi dự kiến Fed có thể giảm lãi suất từ cuối năm 2024).
Việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế trong nước, giảm dần sự phục thuộc vào thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng hỗ trợ thương mại tốt, tham khảo sử dụng những công cụ tài chính phái sinh, các hợp đồng hoán đổi một cách phù hợp, đúng quy định để giảm bớt rủi ro khi giao dịch xuất khẩu trong bối cảnh biến động tỷ giá như hiện nay.
Cần lộ trình tăng vốn
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, chính sách của NHNN vẫn luôn dành ưu tiên cho xuất khẩu. NHNN chưa đặt vấn đề điều chỉnh lãi suất và đang khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, về mặt cơ chế chính sách, NHNN đã ban hành đầy đủ các cái quy định liên quan đến hướng dẫn về nghiệp vụ cấp tín dụng và cho vay có hay không có tài sản bảo đảm là trên cơ sở là thỏa thuận, là sự linh hoạt.
"Theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng và trên cơ sở các quy định, rất nhiều ngân hàng đã xây dựng những chương trình tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp SME, đặc biệt là chương trình cho vay không có tài sản bảo đảm". Phó Thống đốc nói.
Đồng thời cho hay, hiện NHNN đã ban hành và trao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng. Với doanh nghiệp SME, ngoài những quy định như vừa chia sẻ, để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho các doanh nghiệp này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 34 quy định về các hoạt động của các quỹ bảo lãnh tín dụng (BLTD) ở địa phương.
“Đây là một trợ lực rất quan trọng đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề thiếu tài sản bảo đảm, trên cơ sở bảo lãnh của các quỹ BLTD ở địa phương này, các ngân hàng sẽ xem xét, quyết định cho vay”, ông Tú nhận định.
Mặc dù được đánh giá là "phao cứu sinh" giúp các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. tuy nhiên, Nghị định 34 quy định vốn điều lệ tối thiểu hiện nay của quỹ BLTD địa phương chỉ 100 tỷ đồng - con số còn khá khiêm tốn so với một địa phương.
Theo đó, để hỗ trợ tối ưu, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, (NHNN) cho rằng, nên có một lộ trình tăng vốn điều lệ cho quỹ BLTD, ban đầu là 10.000 tỷ đồng và sau đó có thể nâng lên 30.000 tỷ đồng, được tích lũy từ các nguồn lực do nhà nước tính toán, như chênh lệch giữa thu chi, hoặc sau khi trích quỹ khen thưởng cho nhân viên hoạt động quỹ, còn lại sẽ đưa vào vốn điều lệ để bảo đảm mở rộng khả năng bảo lãnh.
"Chúng ta cần "xốc" lại quỹ BLTD cho phù hợp hơn để tạo cú huých tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu, chẳng hạn như xây dựng một chính sách mới, dựa trên nguyên tắc gần như tín chấp 100%, trong đó thế chấp chỉ chiếm một phần nhỏ. Đặc biệt, đã bảo lãnh thì không thể hủy ngang...", vị chuyên gia nhìn nhận.