Phó Thống đốc NHNN: Tích cực điều hành tỷ giá trung tâm để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ
(DNTO) - Trong điều kiện hiện nay, cân đối ngoại tệ trên thị trường có những gay gắt hơn trước, để tránh tạo thêm sức ép cho tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực trong hoạt động điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.
Theo thống kê mới nhất của NHNN, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng tới 5,9%, một con số “đáng giật mình" khi tỷ giá năm ngoái chỉ tăng 2,6%.
Phân tích về những nguyên nhân khiến tỷ giá tăng cao, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, ngày 25/4, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Biến động tỷ giá do USD Index đang ở mức cao nhất từ xưa tới nay, tình trạng giảm cầu đầu tư, chính sách bảo hộ của các nước lớn; xuất nhập khẩu tương đối sôi động nên nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu cũng tiêu tốn ngoại tệ không nhỏ... cùng với đó, lãi suất thấp kỷ lục cũng là nguyên nhân khiến tỷ giá gặp nhiều áp lực.
Cụ thể, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo lãi suất quá thấp sẽ ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
“Lãi suất là một chỉ tiêu phức tạp và đòi hỏi phải điều hành hợp lý, vì lãi suất là yếu tố liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác, trong đó có tỷ giá. Song, chúng ta không thể hi sinh tỷ giá vì lãi suất mà phải đảm bảo hài hòa lãi suất và tỷ giá trên cơ sở tính toán lợi ích chung của mối quan hệ này cũng như trong mối tương quan với các chỉ tiêu khác. Việc hạ lãi suất phải phù hợp với kinh tế vĩ mô. Do đó, tại thời điểm này, NHNN không đặt ra vấn đề điều chỉnh lãi suất điều hành”, Phó thống đốc nhận định.
Ngoài ra, NHNN cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng tạo hành lang pháp lý để tạo thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng trong vấn đề tự quyết quyền cho vay đối với nền kinh tế. Đồng thời áp dụng các biện pháp khác như giãn/hoãn các khoản nợ lãi đến hạn mà chưa trả được; triển khai các gói tín dụng chính sách ưu đãi, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng…
Ông Tú khẳng định tỷ giá là vấn đề lớn, nếu không quản lý hiệu quả sẽ tác động đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, NHNN rất quyết liệt trong điều hành. Thời gian qua, NHNN đã áp dụng nhiều giải pháp ổn định tỷ giá như điều tiết lượng tiền trong lưu thông, điều hành lãi suất hợp lý, thúc đẩy cho vay xuất khẩu để tạo nguồn cung ngoại tệ...
“Quan điểm của NHNN là ổn định chứ không phải cố định tỷ giá, tức là tỷ giá lên xuống hài hòa, không để âm trạng thái ngoại tệ”, ông Tú nhấn mạnh, đồng thời cho hay, NHNN đã đẩy mạnh các công cụ để có lợi ích tối đa cho doanh nghiệp, và biện pháp cuối cùng là mang tính chất hành chính, khi buộc phải bán ngoại tệ.
"Từ tuần trước, NHNN đã tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Đây là giải pháp cuối cùng để ổn định tỷ giá”, Phó thống đốc cho biết.
Hiện tại, nhờ các giải pháp can thiệp của NHNN, tỷ giá đã bớt căng thẳng. Đến nay, tỷ giá trung tâm giảm còn 4,8% so với năm 2023, và mức mất giá này của Đồng Việt Nam vẫn thấp so với đà mất giá của nhiều đồng tiền khác trên thế giới như Đài tệ mất 5,96% từ đầu năm; bath Thái mất 7,12%; yen Nhật mất 9,69%; won Hàn Quốc mất 7,71%; franc Thụy Sỹ mất 8,2%...
Phó Thống đốc khẳng định: Đúng là tỷ giá vừa qua có những dao động, tuy nhiên thời gian tới, tỷ giá ngân hàng, đặc biệt là tỷ giá trung tâm có thể giữ và giảm dần, thì tỷ giá USD ngoài thị trường cũng sẽ giảm theo. Đây là trạng thái bình thường của nền kinh tế.
"NHNN đang rất tích cực trong hoạt động điều hành tỷ giá trung tâm phù hợp để chống đầu cơ tích trữ ngoại tệ của doanh nghiệp và ngân hàng thương mại. Vì thế, các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng không nên kỳ vọng, găm giữ, đầu tư ngoại tệ, từ đó tạo áp lực lên tỷ giá", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ tiếp tục duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với hàng hóa ưu tiên, có nguồn thu ngoại tệ lớn. Chẳng hạn như hiện nay xuất khẩu cà phê đang được giá, vì thế ngành Ngân hàng sẽ chỉ đạo khuyến khích hệ thống ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay. Các gói tín dụng ưu đãi lãi suất như gói 30.000 tỷ đồng cho xuất khẩu thủy sản; xuất khẩu gỗ… cũng sẽ được NHNN phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh.