Tăng hết biên độ, giá bán USD vượt đỉnh mới và hành động của Ngân hàng Nhà nước
(DNTO) - Các ngân hàng lớn tiếp tục đưa giá USD lên kịch trần cho phép cũng như vượt xa mức giá bán tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo chuyên gia, NHNN có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá.
Đồng USD tiếp tục "nổi sóng" trên thị trường quốc tế càng gây sức ép lên tỷ giá USD/VND tại ngân hàng trong phiên hôm nay (16/4). Cụ thể, ghi nhận vào lúc 14h10, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank tăng thêm 118 đồng/USD ở cả 2 chiều, lên mức 24,978 đồng/USD (mua vào) và 25,348 đồng/USD (bán ra), phá đỉnh 24,860-25,230 đồng/USD (mua vào - bán ra) vừa thiết lập hôm qua (15/4).
Đây cũng giá bán USD cao nhất trong lịch sử của Vietcombank từ năm 2000 đến nay. Mức này cũng vượt mức giá bán USD giao ngay mà NHNN đưa ra là 25,298 đồng/USD cùng ngày.
Bên nhóm ngân hàng cổ phần, giá USD cũng tăng mạnh 40 – 80 đồng ở cả hai chiều giao dịch trong phiên sáng hôm nay. Hiện giá bán USD tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techombank, MB, ACB, Sacombank và Eximbank dao động trong khoảng 25.330 – 25.348 đồng, đều áp sát mức trần được phép giao dịch . Bên cạnh đó, giá bán USD của các ngân hàng hiện đã vượt khá xa mức giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (25.298 đồng).
Như vậy, đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá USD tại một loạt ngân hàng được niêm yết ở mức kịch trần. Đáng chú ý, những ngân hàng có giá bán cao nhất đều thuộc nhóm Big4, cho thấy áp lực trên thị trường ngoại tệ vẫn còn lớn.
Đỉnh tỷ giá USD tại ngân hàng liên tục bị xô đổ trước đà tăng mạnh của giá USD trên thị trường quốc tế, do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, làm gia tăng nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn như đô la Mỹ và vàng.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ công bố ngày 15/4, chuyên gia phân tích của CTCK SSI cho biết, tuần trước, thanh khoản hệ thống gặp áp lực và NHNN phải tiếp tục kích hoạt kênh mua kỳ hạn trong phiên giao dịch thứ 6 (12/4).
Cụ thể, NHNN đã cung cấp 10 nghìn tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4% cho hai thành viên tham gia. Đồng thời, NHNN phát hành 25.000 tỷ tín phiếu, với mức lãi suất cao hơn (3.5%) trên tổng số 75.000 tỷ đồng đáo hạn trong tuần trước. Như vậy, NHNN bơm ròng 51.000 tỷ đồng ra thị trường tuần qua bằng kênh thị trường mở, khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành giảm về lên mức 123.000 tỷ đồng và khối lượng lưu hành trên kênh mua kỳ hạn ở mức 10.000 tỷ đồng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm có diễn biến tương tự khi tăng dần về cuối tuần, thanh khoản cao dần.
"NHNN mặc dù nhận thấy những áp lực ngay từ đầu năm đã chủ động phát hành tín phiếu từ đầu tháng 3 nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, do động thái này chỉ tác động tới hoạt động “carry trade” (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) của các ngân hàng, trong khi nhu cầu thanh toán USD cao", chuyên gia nhìn nhận.
Tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo "Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024" ngày 16/4, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, tỷ giá biến động thời gian gần đây cơ bản là do đồng USD tăng giá. Từ đầu năm đến nay, USD đã tăng 4,5%. Đô la Mỹ tăng do FED có vẻ lưỡng lự hạ lãi suất, và kinh tế Mỹ không suy thoái mà còn phục hồi tốt hơn năm ngoái. Điều này khiến USD tăng giá và các đồng nội tệ neo với USD đều bị giảm trong thời gian qua.
Ông Lực dự báo tỷ giá USD/VND còn chịu áp lực lớn trong phần còn lại của năm 2024, có thể tăng 3%, đạt mức 25,000 đồng/USD, dù cán cân tổng thể được kỳ vọng tích cực hơn nhưng chịu áp lực từ Chỉ số USD Index (DXY) và chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND tiếp tục duy trì.
“Với các áp lực ngoại biên từ đà tăng của DXY, lợi suất trái phiếu Mỹ và giá vàng, có thể NHNN sẽ vẫn tập trung vào việc phát hành tín phiếu kho bạc. Tuy nhiên, nếu các áp lực này tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong kịch bản giá dầu Brent vượt mức 93 USD/thùng, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm vượt 4,7%/năm, NHNN rất có thể sẽ phải can thiệp bằng việc bán kỳ hạn hoặc bán thẳng dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá”, ông Lực cho biết.
Ông Lực thông tin, lần gần nhất NHNN phải bán ngoại tệ để bình ổn thị trường là năm 2022. Theo đó, từ đầu quý 2/2022, NHNN đã thực hiện bán kỳ hạn lượng lớn USD nhằm ổn định thị trường ngoại tệ sau khi Fed liên tục tăng lãi suất. Tuy nhiên, trước áp lực tỷ giá vẫn lớn, đến giữa tháng 7/2022, NHNN đã chuyển từ hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn sang hợp đồng giao ngay và tăng giá bán thêm 150 đồng, lên mức 23.400 đồng/USD.
"NHNN điều hành tỉ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỉ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá nhằm góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ", ông Lực nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, trong trường hợp NHNN phải bán USD để bình ổn thị trường (bán kỳ hạn không hủy ngang hoặc bán giao ngay) điều này ít nhiều sẽ làm giảm cung tiền VND và tác động tới phần nào thanh khoản hệ thống. "NHNN sẽ phải thận trọng vì còn liên quan đến chuyện nhập khẩu vàng, NHNN sẽ phải tính toán nhập khẩu bao nhiêu để không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối".