Tỷ giá USD/VND vọt lên 25.000, doanh nghiệp kiến nghị được vay USD với lãi suất 4%
(DNTO) - Hiện giá USD bán ra tại nhiều ngân hàng đã vượt 25.000 đồng, chạm trần quy định. Như vậy, chỉ trong quý 1/2024, tỷ giá đã biến động bằng gần mức cả năm 2023. Lo ngại hàng hóa bán tại thị trường châu Âu, Mỹ có giá cao hơn, tiêu thụ chậm hơn, doanh nghiệp kiến nghị hạ lãi suất vay USD ở mức dưới 4%.
Tỷ giá đồng đô la Mỹ (USD) so với đồng Việt Nam (VND) tăng nóng đang là câu chuyện được quan tâm trên thị trường tài chính những ngày qua khi biến động mạnh và liên tục tạo lập kỷ lục mới trong thời gian gần đây. Giá USD bán ra tại một số ngân hàng đã vượt 25.000 đồng, chạm trần quy định.
Đơn cử, phiên giao dịch 5/4, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã tăng tới 15 đồng so với phiên liền trước. Cùng với đó, tỷ giá bán cũng tăng thêm 16 đồng, mua - bán ở mức 23.400 - 25.171 VND/USD.
Đà tăng tỷ giá cũng không dừng trong khối ngân hàng thương mại. Vietcombank niêm yết tỷ giá VND/USD ở mức 24.710 – 25.080 đồng, tăng khoảng 110 đồng so với cuối tuần trước. VietinBank và BIDV đều tăng mạnh giá USD, đặc biệt ở BIDV giá bán vượt 24.815 – 25.125 đồng, tăng 155 đồng so với cuối tháng 3.
So với mức trần cho phép, căn cứ trên biên độ 5%, nhiều ngân hàng có giao dịch tỷ giá cận ngưỡng trên, trong 22.819 - 25.221 VND/USD. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tiền Đồng đã mất giá 2,11% YTD so với USD.
Thậm chí, trong ngày 2/4, NHNN đã bơm tiền trở lại khi cho một thành viên vay 5.952 tỷ đồng thông qua kênh thị OMO (nghiệp vụ thị trường mở), với lãi suất 4%/năm, kỳ hạn 7 ngày. Đây là lần giao dịch đầu tiên trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá kể từ cuối tháng 2/2024. Cùng với đó, với 171.000 tỷ đồng NHNN đã hút về sau 3 tuần, theo kỳ 28 ngày, dự kiến, lô tín phiếu đầu tiên sẽ đáo hạn vào ngày 8/4, trả lại 15.000 tỷ đồng thanh khoản cho thị trường và sẽ có nhiều đợt đáo hạn đi theo các lô tín phiếu mà NHNN đã phát hành.
Liên quan đến trạng thái tỷ giá trên thị trường, các chuyên gia cho rằng, chỉ trong một quý mà để đồng bản tệ mất giá 2-3 % sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề, trong đó có niềm tin của nhà đầu tư vào Việt Nam. Trước diễn biến này, tại họp báo Chính phủ hôm 3/4, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN lên tiếng trấn an: "Với nguồn lực hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối, NHNN sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá khi cần thiết".
Trước mắt, NHNN sẽ phải duy trì lượng tín phiếu lưu hành ở mức cao trong tháng 4 khi tình trạng dư thừa thanh khoản dự kiến sẽ chưa chấm dứt và áp lực tỷ giá chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Doanh nghiệp muốn vay USD với lãi suất 4%
Tỷ giá ghi nhận một tuần biến động như "tàu lượn", chưa kể căng thẳng Biển Đỏ vẫn chưa hạ nhiệt, đã tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu hoặc phải thanh toán chi phí cho đối tác bằng đồng USD cũng như có nợ vay ngoại tệ.
Thông thường, khi đồng Đô la Mỹ tăng giá, một số doanh nghiệp xuất khẩu đang được hưởng lợi vì bán hàng cho đối tác nước ngoài, nhà xuất khẩu nhận về USD, quy đổi sang tiền đồng, doanh nghiệp sẽ thu được nhiều hơn. Song ngược lại, tỷ giá tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc sử dụng đồng USD để thanh toán sẽ chịu tác động tiêu cực.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã chia sẻ cụ thể về độ biến động trong lợi nhuận trước sự thay đổi của tỷ giá. Điển hình là Vietnam Airlines, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines trần tình, cho biết, với đặc thù làm ngành hàng không, khi tỷ giá thay đổi 1%, doanh nghiệp mất 300 tỷ đồng, nếu thay đổi 5% thì chi phí hãng một năm tăng lên 1.500 tỷ đồng.
"Năm qua, Công ty ghi nhận doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái là 699 tỷ, chi phí do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái là 1.601 tỷ đồng. Tương ứng, Vietnam Airlines đang chịu lỗ hơn 900 tỷ đồng cho hoạt động tài chính do lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái", ông Hoà chia sẻ.
Các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng không ngoại lệ. Ông Trần Thế Linh, Giám đốc Công ty giày Viễn Thịnh lý giải, rất nhiều doanh nghiệp của ngành da giày chỉ đang thực hiện gia công cho các hãng ngoại. Đơn giá cho một đôi giày nữ mấy năm qua hầu như không thay đổi, vẫn xoay quanh khoảng 10 USD/đôi; trong đó, 80% là giá nguyên phụ liệu và phần còn lại là tiền công của doanh nghiệp. Do vậy giá USD tăng thì doanh nghiệp cũng chi ra gần hết khi mua nguyên phụ liệu, phần còn lại thu về là không đáng kể, chưa kể đến các chi phí khác như vận tải, vay nợ bằng USD…
Nêu quan điểm tại Hội thảo "Khơi thông dòng vốn ra thị trường", chiều 5/4, TS Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng về lâu dài cần hạ thấp lãi suất xuống.
"Lãi suất VND đang hạ nhiệt, nên nếu có nhu cầu ngoại tệ để thanh toán thì doanh nghiệp nên vay VND mua ngoại tệ sẽ hiệu quả hơn. Còn nếu doanh nghiệp cần vay ngoại tệ thì ngân hàng thương mại nên hoán đổi ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Tạo nguồn ứng trước ngoại tệ với lãi suất vừa phải để hỗ trợ xuất khẩu", chuyên gia khuyến nghị.
Đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta ám ảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng thực tế, Fed chỉ tác động phần nào đó đối với nền kinh tế Việt Nam. Quý III/2024 USD sẽ quay đầu giảm khi Fed cắt giảm lãi suất. Trong điều kiện Việt Nam, giữ cho tỷ giá ổn định trong khoảng 3-4% là trong tầm tay của NHNN, nhưng tuyệt nhiên không thể để cho mặt bằng lãi suất tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái, vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất".
Đại diện doanh nghiệp, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, với nhóm 20 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu ngành thuỷ sản thường vay USD, biến động tỷ giá không có lợi cho doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp đang chững lại về vay vốn, chờ những tín hiệu tích cực hơn từ thị trường xuất khẩu lớn.
Trong khi đó, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp có chiến lược tốt, có mối quan hệ tốt với ngân hàng thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay khi có lịch sử tài chính tốt. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói vay ưu đãi 15.000 tỷ đồng, thậm chí không biết về gói hỗ trợ này.
"Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang vay với mức lãi suất phổ biến là 6-7%. Còn với các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp thì đang vay với lãi suất 8-8,5%. Đề xuất các ngân hàng xem xét hạ lãi suất vay USD ở mức dưới 4%, đồng thời, công khai các gói vay ưu đãi để doanh nghiệp ngành - chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ, tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long dễ dàng tiếp cận", Phó Tổng thư ký VASEP kiến nghị.