Rủi ro chực chờ, doanh nghiệp xuất khẩu phải đánh giá lại chiến lược để giảm thiểu khó khăn
(DNTO) - Căng thẳng Trung Đông đang tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại quốc tế, gây khó khăn không nhỏ đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại chiến lược của mình. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng các kế hoạch dự phòng rủi ro chuỗi cung ứng cũng ngày càng trở nên cấp thiết.
Hiện tại, giày dép, nông lâm thuỷ sản đang là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, đặc biệt là Israel. Nếu xung đột tiếp tục lan rộng thì tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân do giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng, cước vận chuyển cũng sẽ tăng, khiến người tiêu dùng trên thế giới có thể thắt chặt chi tiêu do lo ngại bất ổn.
Ở góc độ doanh nghiệp đang làm việc với nhiều khách hàng ở UAE (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất), Jordan…, ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty TNHH May mặc Dom, cho biết, khối thị trường này hiện chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Song, cuộc xung đột khu vực đang căng thẳng khiến doanh nghiệp "đứng ngồi không yên" về an toàn của hàng hóa trong quá trình vận chuyển bằng đường biển, cũng như việc cước vận tải tăng nóng trở lại.
Vị này cho hay, nếu tháng 11/2023 giá cước vận tải cho 1 container (40 feet) sang thị trường Jordan chỉ ở mức 1.450 USD thì hiện nay giá cước đã tăng lên 6.000 USD. Cùng với đó, thời gian vận chuyển cũng kéo dài hơn. Thông thường khách hàng sẽ đặt hàng gối đầu (tức nhận được đơn hàng cũ sẽ đặt hàng mới), do đó, khi thời gian vận chuyển tăng lên khiến đơn hàng của doanh nghiệp cũng bị giảm tới 50% so với trước đây.
“Gần đây nhất, đơn hàng vận chuyển qua thị trường này phải mất 2,5 tháng khách hàng mới nhận được thay vì 1 tháng như trước đây”, ông Quang Anh cho hay.
Bên cạnh đó, lo ngại nếu xung đột tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp phải lựa chọn hãng tàu "thân thiện" với các nước Trung Đông để hàng hóa vận chuyển được thông suốt, dễ dàng hơn. “Hàng hóa xuất khẩu qua các nước này vốn giá đã rất cạnh tranh, giờ đây khi giá cước vận tải tăng lên, doanh nghiệp lại phải tiếp tục giảm giá để chia sẻ với khách hàng. Điều này khiến nhiều đơn hàng không có lãi”.
Tương tự, mặt hàng thuỷ hải sản xuất khẩu hiện nay cũng đang “khóc ròng”. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin, hiện tại Israel đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Chiến tranh nổ ra, khiến xuất khẩu sang thị trường này sẽ còn tiếp tục sụt giảm, kéo theo xuất khẩu sang các nước Trung Đông cũng sẽ chậm lại. Do đó, dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý cuối năm nhiều khả năng sẽ không khả quan.
"Hệ luỵ sẽ nhiều hơn khi chưa biết kéo dài bao lâu, trong khi đặc thù của ngành hàng chủ yếu là đông lạnh. Phí vận chuyển đi Bờ Tây Mỹ tăng 70% nhưng đi châu Âu tăng gần 4 lần tính theo tổng chi phí trả cho một container hàng, trong khi xuất khẩu đang suy giảm càng tạo thêm khó khăn cho ngành đông lạnh", đại diện VASEP chia sẻ.
Doanh nghiệp phải đánh giá lại các chiến lược để giảm thiểu rủi ro
Cần nhắc thêm, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết hồi tháng 7/2023 được kỳ vọng mở ra cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam không chỉ tiếp cận thị trường Israel và là bước tiến mới để giúp thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông rộng lớn.
Song, rõ ràng những bất lợi khó lường đang diễn ra ở khu vực này đang là một thách thức lớn để có thể thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, nhất là lo ngại sẽ gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho mạng lưới cung ứng toàn cầu vốn rất mong manh. Việt Nam, ngôi sao đang lên trong lĩnh vực sản xuất và thương mại, sẽ đặc biệt cảm thấy được sức ép này.
Giới chuyên gia nhận định, trong bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế lớn. Do đó, bất kỳ gián đoạn nào ở thượng nguồn đều có thể gây ra tác động lan rộng đến nền kinh tế, nhất là những hoạt động vận chuyển đường biển, vốn là huyết mạch của nền thương mại toàn cầu.
“Với nền kinh tế định hướng xuất khẩu đang phát triển mạnh, Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến thương mại hàng hải. Các cảng và tuyến đường vận chuyển bị ảnh hưởng bởi xung đột có thể dẫn đến chậm trễ và tăng chi phí vận chuyển, ảnh hưởng đến tính kịp thời và hiệu quả chi phí của hàng xuất khẩu Việt Nam”, Ts. Majo George (Đại học RMIT), đánh giá.
Những khuyến nghị từ chuyên gia là lời nhắc nhở rõ ràng rằng xung đột chính trị, ngay cả ở một nơi xa xôi trên thế giới, có thể gây ra hiệu ứng domino như thế nào đối với nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, buộc các doanh nghiệp của Việt Nam phải điều chỉnh và củng cố lại chiến lược của mình để đảm bảo ổn định và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trước những bất ổn.
Đề xuất giải pháp giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia dẫn chứng, cùng "chung cảnh ngộ" giống Việt Nam, Ấn Độ cũng là nước có ngành thương mại song phương phát triển với Israel và các nước trong khu vực Trung Đông. Trong bối cảnh căng thẳng Iran - Israel đang leo thang, các chuyên gia trong ngành logistics ở Ấn Độ đang thực hiện các giải pháp quyết liệt để đảm bảo hàng hóa được an toàn và đạt đúng tiến độ.
Đơn cử, đối với giải pháp về vấn đề hàng hải, ngành logistics Ấn Độ đang chủ động bảo vệ hàng hóa bằng cách đa dạng hóa các tuyến vận chuyển, tăng cường an ninh và sử dụng công nghệ.
"Việc ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng, quản lý rủi ro và các giải pháp ngoại giao là rất quan trọng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Ngành logistics cần phải tăng cường các biện pháp an ninh và áp dụng các công nghệ theo dõi tiên tiến để đảm bảo hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển an toàn", ông Jitendra Srivastava, Giám đốc điều hành công ty Triton Logistics & Maritime, nhận định.