Những ‘vũ khí’ của Temu, Shein trong cuộc chiến thương mại toàn cầu
(DNTO) - Giảm chất lượng sản phẩm để giảm giá thành, lợi dụng kẽ hở trong hệ thống thuế quan..., 2 gã khổng lồ Temu và Shein đã trở thành đối thủ đáng gờm của các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh trên toàn cầu.
Chỉ trong vòng vài năm, hai ứng dụng mua sắm trực tuyến của Trung Quốc là Temu và Shein đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Temu hiện bán hàng trực tiếp đến 82 quốc gia, vùng lãnh thổ, theo Momentum Works. Còn Shein đang bán hàng tại hơn 150 quốc gia, theo The Economist.
Tốc độ mở rộng thần tốc của họ là niềm mơ ước của bất kì nhà sản xuất, nhà bán lẻ nào trên toàn cầu, mặc dù việc đưa hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc ra thị trường thế giới không phải là ý tưởng mới mẻ.
Vào những năm 2000, Trung Quốc đã phát triển nền sản xuất mà các loại hàng tiêu dùng như quần áo, đồ chơi và điện tử của họ đã trở thành trào lưu trên thế giới với mẫu mã đa dạng, bắt mắt và đặc biệt là giá vô cùng rẻ. Những thập kỉ gần đây, Trung Quốc chuyển hướng ngành công nghiệp sang công nghệ cao, trong đó xe điện mới là biểu tượng của tương lai của đất nước tỷ dân chứ không phải là những món đồ nhựa rẻ tiền. Thế nhưng, ý tưởng kinh doanh từ những năm 2000 vẫn tiếp tục tạo ra cho Trung Quốc những “kỳ lân” như Temu và Shein.
Sở dĩ, họ vẫn tiếp tục thành công trong cuộc chiến thương mại này một phần do khủng hoảng chi phí ở phương Tây. Kể từ sau đại dịch, khu vực này đối diện với cú sốc lạm phát. Hàng trăm triệu hộ gia đình tại châu Âu và Mỹ bị ảnh hưởng tài chính và tâm lý, buộc phải thắt chặt chi tiêu và tìm kiếm các sản phẩm giá rẻ. Bên cạnh đó, sau đại dịch, nhiều người trẻ dành thời gian mua sắm trực tuyến thay vì ghé thăm các cửa hàng truyền thống. Trong bối cảnh này, mô hình bán hàng giá rẻ trực tuyến lại trở nên hợp thời điểm.
Trong khi phương Tây đối mặt với khủng hoảng chi phí, kinh tế Trung Quốc cũng suy yếu. Đất nước tỷ dân phải vật lộn với các vấn đề như khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trong nước thấp. Điều này tạo ra dư thừa công suất trong ngành công nghiệp sản xuất lớn nhất thế giới
Nhiều nhà máy ở các trung tâm dệt may như Panyu sẵn sàng chấp nhận mức giá thấp hơn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các ứng dụng mua sắm như Temu và Shein phát triển.
Dưới sự hỗ trợ và hậu thuẫn tài chính từ công ty mẹ Pinduoduo, Temu không ngại “đốt tiền” để thực hiện chiến lược “tăng trưởng trước, lợi nhuận sau”. Mỗi sản phẩm bán ra có thể không có lợi nhuận nhưng họ chấp nhận lỗ để giành thị phần. Điều này giống như các ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn đã từng làm để bành trướng thị trường.
Bên cạnh đó, chính kẽ hở trong hệ thống thuế quan toàn cầu đã tiếp tay cho Temu và Shein thực hiện giấc mơ giá rẻ. Trong khi các thương hiệu như IKEA hoạt động dựa trên quy mô lớn và vận tải hàng loạt, Temu và Shein lại vận chuyển từng đơn hàng trực tiếp từ nhà máy hoặc kho – bằng đường hàng không. Những lô hàng nhỏ này tránh được các khoản thuế quan thông thường nhờ vào lỗ hổng trong thương mại quốc tế, giúp giảm chi phí đáng kể.
Nhưng để duy trì mặt bằng giá rẻ lâu đến như vậy thì cả Temu và Shein cũng phải hạ chất lượng sản phẩm. Nhiều khách hàng phản ánh hàng hóa từ 2 công ty này đôi khi có chất liệu kém hoặc độ hoàn thiện không cao. Thậm chí có một số cáo buộc cho thấy những sản phẩm của họ có chứa chất độc hại cao gấp nhiều lần cho phép.
Thế nhưng, trong thời kỳ khó khăn như hiện tại, nhu cầu về hàng hóa “dùng nhanh, thay nhanh” vẫn phổ biến. Temu và Shein vì thế đang tận dụng thời cơ để thống lĩnh thị trường thương mại điện tử toàn cầu, bất chấp những rào cản về chính trị, kinh tế và chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, Temu đang đối diện với hàng loạt “đòn” mới từ các thị trường họ hiện diện. Mỹ mạnh tay thay đổi quy định siết hoạt động của Temu trước nỗi lo hàng giá rẻ và kém chất lượng, còn các nước châu Âu siết loạt quy định hoạt động và nhập khẩu.
Bên cạnh đó, quá trình mở rộng tại các thị trường mới không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tại Đông Nam Á, Indonesia ra lệnh cấm ứng dụng, Thái Lan tăng thuế còn Việt Nam chưa cho phép nền tảng này họat động. Ở châu Phi, sau khi Temu thử nghiệm tại 8 quốc gia, chỉ có Cameroon mang lại kết quả khả quan. Đối với 7 nước còn lại, Temu phải nhanh chóng rút lui do hạ tầng yếu kém, chi phí cao và thiếu đồng bộ trong chuỗi cung ứng. .
Tuy vậy, không thể phủ nhận cả Temu và Shein đều có chiến lược đáng học hỏi khi kinh doanh thương mại điện tử. Họ đánh vào tâm lí khách hàng khi mua hàng trực tuyến: freeship (miễn phí vận chuyển) khi mua hàng và hoàn trả tiền khi không hài lòng về sản phẩm. Điều này giảm chi phí, giảm rủi ro cho người mua và giúp khách hàng tăng trải nghiệm mua sắm khi dùng ứng dụng.
Bên cạnh đó, việc mở rộng của Temu và Shein trong thời gian ngắn cho thấy sự nhạy bén trong kinh doanh của các nhà bán lẻ Trung Quốc. Họ nhanh chóng nhìn thấy phần khuyết của thị trường để chen chân vào, đồng thời biết tận dụng lợi thế của mình để vượt lên đối thủ. Hơn hết, họ hiểu rõ đối tượng tiêu dùng của mình, từ đó có chiến lược đánh trúng tâm lý khách hàng.