Phó Thủ tướng: 'Sẽ yêu cầu Temu kê khai nộp thuế như Google, Facebook'
(DNTO) - Trao đổi với báo chí về vấn đề thu thuế với sàn giao dịch điện tử, trong đó có Temu tại Quốc hội sáng 26/10, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Temu nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook… Nếu không nộp, sẽ tổ chức thanh tra, xử lý.
Temu là "tân binh" đến từ PDD Holdings (Trung Quốc), Tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới, đang nối gót các "đàn anh" như Taobao, 1688, Shein trong cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam và hút khách với những món hàng có giá siêu rẻ, một số sản phẩm được giảm giá tới 90%...
Sáng 26/10, thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), khẳng định đây là "cảnh báo lớn" rất cần quan tâm trong lĩnh vực tiêu dùng hiện nay. Nếu không có giải pháp kiểm soát, người tiêu dùng sẽ mua hàng qua các kênh thương mại điện tử giá rẻ, chưa được kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Theo ông, việc này có nguy cơ hàng hóa giá rẻ triệt tiêu hàng sản xuất trong nước. Khi đó, các cửa hàng kinh doanh trong nước gặp khó khăn, sẽ phải đóng cửa khi người dân mua hàng giá rẻ qua mạng... Vị này cũng đề nghị cần xem chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị dưới 1 triệu đồng hiện nay. Đồng thời nhấn mạnh, hiện hoạt động TMĐT có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài, và cho rằng gắn liền với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hoàng Ngân (đại biểu TP.HCM) cho biết, 9 tháng đầu năm, giao dịch trên 5 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam doanh thu đạt gần 9 tỷ USD, mức 225.000 tỷ đồng. "Điều này cho thấy, kinh doanh qua mạng xã hội, qua các sàn giao dịch TMĐT tăng rất nhanh. Vấn đề đặt ra là hàng hóa kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT là hàng hóa gì, nguồn gốc xuất xứ ở đâu, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm bao nhiêu trong số tiền 28 tỷ USD đó?".
Vị đại biểu đề nghị lần sửa đổi các luật về quản lý thuế tới đây, cần phối hợp bộ, ngành để quản lý thu thuế đối với giao dịch điện tử, đảm bảo chất lượng hàng hóa trong giao dịch điện tử.
"Trong luật lần này sửa đổi, chúng ta nghiên cứu cụ thể kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số và các nền tảng khác được thực hiện ở nước ngoài. Nhà cung cấp nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền nộp thuế hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính", ông Ngân nhấn mạnh.
Trả lời kiến nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sàn TMĐT xuyên biên giới Temu vừa xuất hiện tại Việt Nam và nền tảng này cũng sẽ nằm trong diện phải nộp thuế như Google, Facebook…
Do đó, ông Phớc cho hay đã yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát, yêu cầu nền tảng này kê khai nộp thuế và thu thập các dữ liệu thống kê. “Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ tổ chức thanh tra, xử lý”, ông Phớc nói.
Trao đổi thêm về yêu cầu của Phó Thủ tướng, ông Mai Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết Tổng cục Thuế đã có yêu cầu và Temu đã đăng ký thuế. "Temu phải nộp thuế theo quy định như các đơn vị kinh doanh, nhà cung cấp nước ngoài khác như Facebook, Google... Họ phải thực hành theo đúng luật rồi sẽ hậu kiểm, chia sẻ dữ liệu, xem kê khai có đúng không", ông Sơn nói.
Quyết định 87 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định: hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT). Do đó, rất nhiều mặt hàng do các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Temu, Taobao, 1688, Shein khi nhập khẩu vào Việt Nam đang hưởng chính sách ưu đãi miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu. Vấn đề này tác động đến các ngành sản xuất trong nước, thiếu sự công bằng đối với các doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa.