Temu, 1688 vào Việt Nam và cơn lốc tiếp theo của thương mại điện tử
(DNTO) - Hai “ông lớn” thương mại điện tử của Trung Quốc tìm đường vào Việt Nam có thể khiến một bộ phận sản phẩm “no brand” không thể cạnh tranh về giá hoặc những nhà bán “mong manh” buộc phải rời khỏi thị trường.
Mới đây, trang web thương mại điện tử bán hàng sỉ lớn nhất Trung Quốc 1688.com đã chính thức cho phép nhà kinh doanh ở Việt Nam đăng ký mua hàng, thanh toán và đã có ngôn ngữ tiếng Việt. Ngay sau đó, sàn bán hàng giá rẻ xuyên biên giới của Trung Quốc là Temu cũng được cho là đã âm thầm tiến vào Việt Nam và có thể thâu tóm 1 sàn thương mại điện tử nội địa, theo Momentum Works.
Sự gia nhập của 2 “ông lớn” khiến nhiều người vui mừng, mừng nhất phải nói đến người tiêu dùng. Nguồn hàng của Temu lớn hơn Shopee rất nhiều vì gã khổng lồ bán sỉ nắm rất nhiều nhà máy trong tay. Bên cạnh đó, lợi thế về địa lý đã giúp thời gian vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu về Việt Nam được rút ngắn đáng kể, chỉ từ 4-7 ngày, so với các thị trường khác như Malaysia hay Philippines. Vì vậy, việc Temu và 1688.com mở đường vào Việt Nam sẽ tạo ra “cơn lốc” hàng giá rẻ mà ở đó người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận đa dạng hàng hóa, mẫu mã với giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Đối tượng hưởng lợi tiếp theo là nhà bán hàng. Việc có nhiều sàn thương mại điện tử đồng nghĩa với việc nhà bán hàng cũng có thêm nhiều sự lựa chọn về nơi đặt gian hàng. Trong bối cảnh các sàn như Shopee/Tiktok vẫn đang tăng phí liên tục (hiện nhiều shop mall (gian hàng chính hãng) đang chịu trung bình 18-22% phí sàn + trung bình 20-30% chi phí marketing); thì việc xuất hiện của các sàn Temu và 1688.com, nếu với mức phí rẻ hơn, sẽ là cơ hội mới cho các nhà bán hàng.
Nhưng, sự kiện này cũng khiến không ít kẻ lo. Đầu tiên là mối lo của những sàn thương mại điện tử đang cạnh tranh trực tiếp với họ là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki.
Trước đây, Shopee từng chiến thắng áp đảo Lazada và Tiki nhờ vào chính sách “Rẻ vô địch”. Sau đó đến TikTok Shop, dù sinh sau đẻ muộn và là sàn thành công nhất trong việc áp dụng mô hình shoppertainment (mua sắm giải trí) nhưng cũng vẫn phải dựa một phần vào việc khuyến mại để thu hút khách hàng. Vì vậy họ rất lo ngại nếu các đối thủ của mình có thể “ngày càng rẻ hơn”. Và Temu là một trong những người làm được như vậy.
Việc luôn duy trì cung cấp các ưu đãi nhiều chiết khấu hơn cả Shein, thậm chí giảm giá sản phẩm xuống mức kỷ lục, miễn phí vận chuyển đã giúp Temu tạo ra một lợi thế cạnh tranh đáng kể. Vì vậy, khi đối thủ đáng gờm này vào cuộc chơi thì những sàn thương mại khác phải dè chừng.
Mối lo tiếp theo đến từ các nhà bán hàng nhỏ lẻ, bán mặt hàng “no brand” (không thương hiệu). Họ đã phải liên tục đau đầu tìm cách giảm giá, thậm chí chấp nhận “cắt máu” ở một số thời điểm để đổi lấy lượt mua cao, nhằm cạnh tranh với các nhà bán khác. Trong năm 2023 có tới hơn 105.000 nhà bán hàng phải rời khỏi 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo do việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Giờ đây, khi hàng hóa giá rẻ tràn vào, các nhà bán hàng yếu kém sẽ tiếp tục bị thanh lọc.
Nhưng điều lo lắng hơn cả là các nhà sản xuất của Việt Nam, có thể họ cũng không thể cạnh tranh được ngay tại thị trường nội địa. Bởi nhiều năm nay, Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng sản xuất” thế giới. Họ có khả năng sản xuất mặt hàng tính năng ưu việt, mẫu mã bắt mắt với mức giá rất rẻ. Trong khi đó, năng lực nhà sản xuất Việt Nam còn hạn chế sẽ khó để cạnh tranh về giá.
Ông Nguyễn Trung Thiệu, Sáng lập Mega Digital (là một trong các Google agency phát triển nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á), cho biết các sàn thương mại điện tử như đang chung 1 kịch bản sẽ thuê hàng loạt Kols, Koc (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) nói về nó với 1 “nỗi sợ” to lớn. Ví dụ : Temu sẽ đánh bại Amazon... Thực tế phương án educate (giáo dục thị trường) này rất phù hợp, gây run sợ cho seller (nhà bán hàng), gây hào hứng cho kẻ mua vì được giảm giá.
Theo ông Thiệu, về mặt phổ cập thông tin thì đều đang làm khá tốt, còn mặt thực thi chưa rõ các ‘ông lớn’ 1688, Temu chiếm được bao nhiêu thị phần, chuyện seller nhỏ bỏ cuộc chơi là bình thường của quy luật cạnh tranh ‘cá lớn nuốt cá bé’ .
Vì vậy, lời khuyên cho nhà bán hàng là phải chuyển dịch thật nhanh trước khi cơn lốc hàng giá rẻ ập vào. Cần tập trung xây traffic (lượng truy cập) tốt, phễu hứng chuyển đổi cao ở đa kênh và gốc đúng đắn (lợi người, lợi mình, tốt cho tất cả). “Sản phẩm tốt, traffic tốt, phễu chuyển đổi cao không bao giờ lo chết cả”, ông Thiệu nhấn mạnh.