CEO Shopee Việt Nam: Doanh nghiệp Việt phải hiểu sự biến đổi của người tiêu dùng để bắt kịp trào lưu
(DNTO) - Theo Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh, thử thách của các doanh nghiệp Việt Nam là phải hiểu thương mại điện tử và cách tiếp cận thương mại điện tử qua các kênh. Ngoài ra, doanh nghiệp phải hiểu người tiêu dùng sẽ biến đổi như thế nào để bắt kịp và đi theo trào lưu.
Thông tin tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức”, ngày 14/8, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam có trên 14 triệu cửa hàng, 9.000 chợ, nhưng xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19. Đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.
Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Lại Việt Anh đánh giá: Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Thương mại điện tử đang là lĩnh vực tiên phong vì tỷ trọng trong tổng giá trị kinh tế số khoảng 20% thì có thể chưa phải là quá chiếm mức tuyệt đối, nhưng sự lan tỏa thì vô cùng mạnh mẽ.
"Hiện hay có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động thương mại điện tử cứ lan tỏa như thế trong người dân, người tiêu dùng và có sức hút rất mạnh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh, mạnh và khá bình đẳng với các doanh nghiệp có quy mô lớn trong môi trường điện tử", bà Lại Việt Anh nói.
Nói về vấn đề này, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh cho hay, ở thị trường Việt Nam, Shopee đã có mặt từ năm 2015 cùng thời điểm với một số nước khác. Shopee đã và đang làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, trong số đó có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được với thương mại điện tử.
"Chúng tôi có những chính sách hỗ trợ những doanh nghiệp này tiếp cận với thương mại điện tử một cách dễ dàng hơn thông qua các khóa huấn luyện kỹ năng, sử dụng công cụ, cách thức, cơ chế vận hành phù hợp với thương mại điện tử. Từ đó giúp những doanh nghiệp này phát triển tốt hơn và bền vững hơn", CEO Shopee Việt Nam cho biết.
Ở thời điểm hiện tại, Shopee tập trung vào hỗ trợ các nhà sản xuất. Trong vòng 7-8 năm qua, Shopee đã làm việc với rất nhiều các nhà kinh doanh nhỏ lẻ và thấy rằng ở Việt Nam có những thế mạnh rất lớn về sản xuất, ví dụ như ngành may mặc. Tuy nhiên, những sản phẩm này chưa tiếp cận được quá nhiều trong thị trường nội địa vì một số lý do: Hiểu biết về thị trường nội địa từ các nhà kinh doanh xuất khẩu chưa nhiều; cách tiếp cận người tiêu dùng qua thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn còn mới; nhu cầu và thị hiếu của thị trường Việt Nam cũng khác với thị trường xuất khẩu...
Theo ông Tuấn Anh, hiện Shopee đang cố gắng có những chương trình huấn luyện, giúp cho mọi người tiếp cận những công nghệ mới, những cách tiếp cận thị trường mới như livestream, dùng những người nổi tiếng để quảng bá… hiện tại đó là những các tiếp cận mua bán tiên tiến trên thế giới. Hy vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam tiếp cận những cách thức thương mại tiên tiến nhất, đẩy mạnh được kinh doanh trong tương lai.
"Trong những cuộc đi khảo sát thị trường, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam có một số thử thách. Việc đầu tiên là các doanh nghiệp phải hiểu thương mại điện tử và cách tiếp cận thương mại điện tử qua các kênh, đó là thử thách mà doanh nghiệp cần hỗ trợ. Bên cạnh đó là việc doanh nghiệp phải hiểu người tiêu dùng sẽ biến đổi như thế nào để bắt kịp và đi theo trào lưu", CEO Shopee nêu quan điểm.
Theo ông Tuấn Anh, cách tiếp cận của Shopee hiện tại là có sự hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành để có sự liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ sở sản xuất từ lớn đến nhỏ để có sự hướng dẫn hiệu quả, cập nhật các phương pháp kinh doanh, các cách tiếp thị, các công cụ vận hành hiệu quả nhất. Đồng thời, phải tạo được sự liên kết với các chuỗi cung ứng, đến các nhà sản xuất, các nhà phân phối, kho bãi… "Chúng tôi cố gắng phát triển song song với các đối tác của mình", vị này nói.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử thì thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp, có thể tạo ra những tác động không mong muốn, đó là một phần của quá trình phát triển nhưng cũng có thể tạo ra những tác động không mong muốn.
TS Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: "Màu hồng nào cũng đi liền với chính sách. Trong quá trình phát triển này, khu vực thương mại truyền thống, khu vực bán lẻ dần dần bị thu hẹp. Đây là việc chúng ta phải quan tâm về mặt chính sách, để không ai bị thiệt thòi, bỏ lại phía sau. Ngoài ra, liên quan đến nhiều câu chuyện về thể chế, về xử lý tranh chấp, bảo vệ người tiêu dùng làm sao để phát triển đem lại lợi ích tốt nhất chứ không phải lúc nào cũng màu hồng. Nhưng tổng thể phải nói là thương mại điện tử đã đem lại sự phát triển vượt trội, đem lại ý nghĩa rất tích cực".