Chiêu bài mới của các sàn thương mại điện tử
(DNTO) - Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang được Shopee, Lazada, TikTok Shop... tận dụng tối đa nhằm thu hút người mua, người bán lên sàn, gia tăng khoảng cách với các đối thủ. Nhưng, với các nhà bán hàng, công nghệ tân tiến chưa chắc giúp túi tiền của họ dày thêm.
Bộ mặt mới cho tiếp thị trên sàn
Khi khách hàng trung thành nhiều hơn với các mã khuyến mại, trong khi các sàn thương mại điện tử không thể “đốt tiền” liên tục cho các chiến dịch sale, họ phải tìm những lợi thế khác để giữ chân người bán và người mua. Các sàn tìm đến công nghệ mới để giúp nhà bán hàng bán được nhiều sản phẩm hơn, còn người mua tiếp cận sản phẩm dễ dàng, phù hợp hơn. AI là một công nghệ nổi bật trong số đó.
Nếu Shopee ra mắt tính năng SkinCam (công cụ chẩn đoán da) ứng dụng AI, nhằm tối ưu trải nghiệm mua sắm của những tín đồ làm đẹp và tăng độ nhận diện, uy tín của các nhãn hàng; thì Lazada lại ra mắt Chatbot AI mang tên LazzieChat, hỗ trợ trả lời các câu hỏi của khách hàng liên quan đến việc mua sắm trên sàn, nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm trên sàn.
Còn TikTok Shop, dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại là sàn nhạy bén nhất với các thuật toán AI. Tân binh này đã ứng dụng công nghệ để học và hiểu rõ người dùng đến từng giây, từng phút. Công cụ AI của TikTok Shop thông minh đến độ có thể hiểu được mối quan tâm của người dùng chỉ sau 2 tiếng tạo tài khoản, cho phép chuyển đổi văn bản thành hình ảnh, thậm chí còn hỗ trợ người dùng tạo ra các nội dung mới.
Vượt ra ngoài việc trở thành đối tác tin cậy cho doanh nghiệp, nhà bán hàng, khách hàng, các sàn hiện nay hiểu rằng martech (công nghệ tiếp thị) ngày càng trở nên phổ biến hơn trong lĩnh vực tiếp thị B2B để giúp doanh nghiệp tinh giản quy trình marketing, cá nhân hóa việc tiếp cận và thu thập dữ liệu giá trị của người dùng.
3 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam đã coi AI là công cụ đắc lực để thu hẹp khoảng cách giữa mua sắm ngoại tuyến và trực tuyến; đồng thời giúp các thương hiệu, người bán tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Những sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Alibaba và Amazon cũng chạy đua tung công cụ có sử dụng AI, giúp doanh nghiệp Việt tăng khả năng bán hàng ra quốc tế.
Giá trị thực hay “tấm áo màu mè”?
Thực tế cho thấy, các công nghệ hot được các sàn áp dụng nhiều hơn với sự hỗ trợ tốt hơn cũng không đồng nghĩa với việc mọi doanh nghiệp, nhà bán hàng đều dễ kiếm tiền hơn. Năm 2023, tổng số shop phát sinh đơn hàng trên 5 sàn thương mại điện tử Việt Nam giảm 1,3%, tương đương 10.000 nhà bán hàng không có doanh thu, theo Metric. Đây là một thực tế cho thấy công nghệ là cần thiết trong bối cảnh người dùng chuyển dịch lên online, nhưng không phải “cây đũa thần” giúp các shop tạo ra lợi nhuận ngay lập tức.
“Không nên quá chú trọng vào các thuật ngữ lớn như AI, Big Data mà bỏ qua những công cụ cơ bản. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể bắt đầu với những tài nguyên và nguồn lực có sẵn, với những công cụ đơn giản nhất. Những bước đơn giản sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt dần những xu hướng công nghệ mới hiệu quả”, bà Nguyễn Quỳnh Thao, Quản lý Bán hàng tại BowNow Japan (nền tảng marketing tự động), cho biết.
Thực tế, việc triển khai các chiến dịch marketing B2B hay lựa chọn công cụ martech đúng cách, phù hợp vẫn là điều cần thiết để doanh nghiệp đạt hiệu quả cao. Việc này không tách rời 3 yếu tố: công nghệ, quy trình và con người.
Công nghệ và công cụ marketing giúp tối ưu hóa quá trình tiếp cận, thu hút và giữ chân khách hàng B2B. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp đều có đặc thù nên cần lựa chọn công cụ phù hợp với từng yêu cầu cụ thể.
“Công nghệ marketing và sale, đặc biệt nhóm sản phẩm dành cho doanh nghiệp B2B đã qua giai đoạn FOMO (chạy theo xu hướng). Giờ đây các doanh nghiệp thực tế hơn rất nhiều, họ không còn muốn thử cái gì đó mới nữa mà muốn giải pháp đem lại giá trị thực sự”, ông Nam Nguyễn, CEO OplaCRM (cung cấp giải pháp quản trị bán hàng), cho biết.
Lựa chọn công nghệ phù hợp không tách rời một quy trình sử dụng hiệu quả. Chỉ khi có quy trình rõ ràng mới phát huy hết công năng của công cụ công nghệ và đo lường được đầu ra của hoạt động marketing.
Cuối cùng, con người cần được đào tạo bài bản về kiến thức và kĩ năng sử dụng các công cụ mới, đem lại hiệu quả cao nhất. Sự hợp tác chặt chẽ giữa bộ phận marketing và bộ phận kinh doanh trong một chiến dịch cũng đem lại hiệu quả tốt hơn.
Như vậy, việc bán hàng vẫn trở về “gốc”, đó là sản phẩm doanh nghiệp và cách các doanh nghiệp triển khai các chiến lược marketing và bán hàng. Công nghệ từ các sàn chỉ là yếu tố bổ trợ và đôi khi cũng chỉ là chiêu bài thu hút nhiều hơn các nhà bán hàng đến với sàn. Thử tưởng tượng, nếu 100 nhà bán hàng với cùng loại sản phẩm, đều sử dụng công cụ marketing miễn phí từ sàn, ai sẽ là người chiếm lợi thế?