Các nhà bán hàng quốc tế đang ra sức kể câu chuyện sản phẩm thật hay
(DNTO) - Một câu chuyện hấp dẫn về sản phẩm sẽ giúp kết nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất tốt hơn và giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa hơn.
Trước dịch Covid-19, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Vinamit, doanh nghiệp thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ xuất khẩu nông sản, cho biết không mấy khi xuất hiện trước khách hàng. Nhưng giờ đã khác, vị Chủ tịch cho biết thường xuyên có mặt trong vai nhà tiếp thị để trực tiếp kể câu chuyện của sản phẩm với khách hàng. Điều này giúp thông điệp truyền tải cho khách hàng đạt hiệu ứng tốt nhất.
Theo ông Viên, trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới sụt giảm do biến động kinh tế, chính trị, doanh nghiệp luôn phải tìm hướng khai thác thị trường ngách. Với những sản phẩm địa phương đặc trưng như nông sản, việc thể hiện rõ câu chuyện về sản phẩm là rất đáng giá.
“Người tiêu dùng quốc tế đã thay đổi, họ muốn gặp trực tiếp và muốn nghe câu chuyện sản phẩm từ chính người chủ chứ không phải thông qua siêu thị hay người bán hàng”, ông Viên nói.
Tham tán Thương mại Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia), cho biết xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm là công cụ tiếp thị các sản phẩm mới, hiệu quả, đặc biệt với các thị trường ngách.
Vị này lấy ví dụ trên thị trường ca cao với sản phẩm socola, kể chuyện đã được xem là một xu hướng chủ đạo mới khi người tiêu dùng mong muốn biết câu chuyện đằng sau một sản phẩm. Những câu chuyện cũng hỗ trợ tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất của nguồn gốc ca cao.
Một ví dụ là thương hiệu Ethiquable (Pháp) đã kể câu chuyện về các nhà sản xuất ca cao, nguồn gốc của ca cao thông qua bao bì và các thông điệp. Cụ thể, trên website chính thức của thương hiệu có viết:
“Việc tiêu thụ các sản phẩm Ethiquable có tác động trực tiếp và có thể định lượng được đối với 49 hợp tác xã hoặc 35.000 nhà sản xuất ở 24 quốc gia ở châu Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á... và ở Pháp với phương pháp Paysans d'ici của chúng tôi. Họ là những người tiên phong về hữu cơ, tin chắc vào sự chuyển đổi sinh thái cần thiết. Đoàn kết trong hợp tác xã, họ hỗ trợ trang trại và đất đai của mình, duy trì hoặc giới thiệu lại các giống và các biện pháp sinh thái nông nghiệp, tạo ra các dự án để tự chuyển đổi thu hoạch và tìm một vị trí trong chuỗi giá trị... Với sự hỗ trợ của thương mại công bằng đã cam kết, họ phát minh ra sản phẩm hữu cơ của ngày mai hàng ngày và vạch ra con đường dẫn đến nền nông nghiệp kiên cường phù hợp với vị giác của chúng ta”.
Một số các công ty xuất khẩu ca cao cũng đang nỗ lực để chia sẻ những câu chuyện hấp dẫn về lịch sử nguyên liệu và nhà sản xuất, nổi bật là Xoco Gourmet (Honduras), Rizek Cacao (Cộng hòa Dominica), Kokoa Kamili (Tanzania), Ingemann (Nicaragua) và Esco Kivu (CHDC Congo).
“Một câu chuyện hay sẽ giúp tiếp thị sản phẩm tốt hơn. Câu chuyện về nguồn gốc ca cao được kể một cách hấp dẫn có thể kết nối người tiêu dùng với nhà sản xuất, tăng thêm giá trị cho sản phẩm socola cuối cùng”, Thương vụ Việt Nam tại Thụy điển cho biết.
Kể chuyện về sản phẩm được xem là hình thức marketing kinh điển từ hàng trăm năm nay. Từ những năm 1911, khi công ty sản xuất và kinh doanh xà phòng Palmolive đứng trước bờ vực phá sản, nhà marketing đại tài Claude Hopkins đã sử dụng 700 USD còn lại để thực hiện chiến dịch quảng cáo thay đổi vận mệnh của cả Palmolive, chỉ bằng một câu chuyện.
Câu chuyện bắt đầu từ bí quyết làm đẹp của Nữ hoàng Cleopatra, người sử dụng tinh dầu cọ và ô –liu để duy trì vẻ đẹp của mình. Đây cũng là 2 hoạt chất được Palmolive ứng dụng trong sản phẩm của mình để giúp khách hàng sở hữu sắc đẹp vượt thời gian… Câu chuyện lý giải vì sao sử dụng xà phòng rửa mặt không sợ bị lão hóa, hay vì sao sản phẩm chất lượng tốt nhưng có giá rẻ... đánh thẳng vào những nghi ngại của khách hàng với sản phẩm. Chỉ sau đó 1 tháng, Palmolive đã bán được 130.000 sản phẩm và đạt mốc 1 triệu sản phẩm sau 1 năm.
Có thể thấy, những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ truyền thống hàng đầu hiện nay như Unilever, P&G vẫn gặt hái doanh số đều đặn cho những nhãn hàng thông qua các câu chuyện sản phẩm. Đây vẫn được xem là hình thức giao tiếp với khách hàng một cách hiệu quả đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội, trang web bùng nổ như hiện nay, doanh nghiệp nên tận dụng không gian mạng để câu chuyện sản phẩm lan tỏa, chia sẻ cho nhiều đối tượng hơn.
“Thông tin phải chính xác, cập nhật, rõ ràng và hấp dẫn. Ví dụ khi nói về lịch sử của trang trại hay hợp tác xã, hãy tạo một câu chuyện thông qua những bức ảnh chất lượng cao về các đồn điền, nông dân và gia đình của họ”, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến nghị.