Không phải doanh thu khủng, đây mới là điều lãnh đạo FPT, Vinamilk quan tâm nhất
(DNTO) - Công ty Vinamilk chú trọng phát triển bền vững, trong khi các nhà lãnh đạo FPT muốn tạo môi trường hạnh phúc cho tất cả nhân viên.
Không chọn tăng trưởng ‘nóng’
Trao đổi trong diễn đàn “Brand Finance - Mibrand Vietnam Forum 2023 sáng 15/8, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Nhân sự Hành chính và Đối ngoại Công ty Vinamilk, khẳng định doanh nghiệp có lợi nhuận cao đã không còn là vấn đề lớn hiện nay, mà quan trọng doanh nghiệp phải vì cộng đồng. Đó là lý do Vinamilk chú trọng phát triển bền vững từ cách đây hàng chục năm.
“Không phải có nguồn lực hay không mà là có muốn làm hay không. Khi doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững thì sẽ dành nguồn lực cho việc đó”, bà Hương nói và cho biết nhờ phát triển bền vững đã giúp Vinamilk tiết kiệm năng lượng, chi phí, biến thành lợi nhuận hàng tháng, hàng năm, và dành nguồn lực đó thực hiện trách nhiệm xã hội.
“Ví dụ các trang trại chúng tôi không bỏ đi thứ gì, từ phân bò cũng biến thành phân bón hữu cơ bón cho đồng ruộng trồng cỏ, làm thức ăn cho đàn bò hay cung cấp cho người nông dân xung quanh trang trại. Năm 2021 chúng tôi hoàn thành 1 triệu cây xanh. Sắp tới chúng tôi sẽ kiểm tra lại 20 tỉnh đã trồng cây, nơi đã giúp chúng tôi trung hòa carbon”, bà Hương nói.
Đó là Vinamilk, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng. Còn tại FPT, một tập đoàn công nghệ, thì câu chuyện phát triển bền vững lại rất khác. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết, trong cuộc họp tái định vị chiến lược tập đoàn năm ngoái, 9/10 lãnh đạo cấp cao của FPT đều chọn từ khóa “hạnh phúc” cho lộ trình phát triển tiếp theo của tập đoàn.
“Chúng tôi có hơn 10.000 nhân viên là người nước ngoài, nhiều văn hóa, sắc tộc, làm sao để hiểu văn hóa và đem lại hạnh phúc cho các bạn. Công ty có hồ bơi, bóng đá, thức ăn ngon… nhưng chỉ giúp kích thích hormone hạnh phúc trong thời gian nhất định, sau là hết. Nhưng lòng trắc ẩn của lãnh đạo sẽ giúp giữ chân nhân tài và công nghệ giúp chúng tôi đoán chính xác hơn và mong muốn nhân viên”, ông Khoa nói.
Lãnh đạo FPT ví tập đoàn mình như “cỗ xe tăng đi từ từ”, phát triển bền vững cả từ giá trị cổ phiếu, không chọn tăng trưởng nóng. Cốt lõi của phát triển bền vững trong tập đoàn đó là giúp mỗi người nhân viên, cổ đông, đối tác, khách hàng đều cảm thấy hạnh phúc.
Điển hình là cân bằng giới tính trong doanh nghiệp. Trong ban lãnh đạo HĐQT của FPT, có 1 người là nữ, tỷ lệ nữ cán bộ nhân viên tập đoàn chiếm 40%, tỷ lệ nữ trong đội ngũ lãnh đạo là 35%. Tập đoàn đặt mục tiêu đem về 1 tỷ USD từ thị trường Mỹ, Úc, châu Âu, những thị trường rất cạnh tranh, với sự điều hành của một lãnh đạo nữ là bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ Tịch FPT Software vừa được bổ nhiệm.
“Các bạn gen Z thường xuyên nói với chúng tôi rằng chọn FPT vì là 1 công ty xanh, hướng về cộng đồng. Vì vậy chúng tôi làm sao để cán bộ nhân viên yêu công việc của mình và hiểu được công việc đó tạo ra giá trị cho khách hàng, cộng đồng. Ở FPT, con người là ưu tiên số 1, trong năm ngoái, chúng tôi đã thiết kế 2 triệu giờ học cho nhân viên, riêng Chủ tịch Trương Gia Bình đứng lớp trong 90 giờ dạy, riêng tôi cũng hàng chục giờ dạy”, ông Khoa nói.
Đã đến lúc định nghĩa lại 2 chữ thành công
Ông Alex Haigh, Giám đốc Điều hành Brand Finance châu Á – Thái Bình Dương cho rằng điều quan trọng nhất là thay đổi tư duy bền vững. Thường mọi người nói phát triển bền vững là hoạt động cần thiết cho thương hiệu nhưng ngay từ đầu nhiều thương hiệu đã định vị thương hiệu là phát triển bền vững.
Các ngành năng lượng, ngân hàng tập trung vào việc phát triển bền vững thấp hơn các ngành thực phẩm, phụ kiện, hàng hóa cao cấp… Khi khách hàng càng bỏ nhiều tiền hơn để tiêu dùng thì họ càng quan tâm đến phát triển bền vững nhiều hơn.
“Một nghiên cứu cho thấy 1/4 người mua xe hơi cao cấp chú trọng đến nhà sản xuất. Đó là lý do các hãng xe như Tesla, Ferrari đều hướng tới xe điện hay nâng cấp các dòng xe hiện tại. Ở Châu Âu, nhiều thương hiệu thiết bị gia đình chuyển sang sử dụng sang năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, nhờ vậy tạo ảnh hưởng lớn trong mắt người tiêu dùng”, ông Alex Haigh nói.
Đại diện Brand Finance cho biết chuỗi cung ứng ngày càng minh bạch hơn, và người tiêu dùng ngày càng quan tâm cách doanh nghiệp sản xuất như thế nào trong chuỗi cung ứng đó. “Apple nói với đối tác cung ứng của họ là họ phải đạt được mức phát thải bằng 0. Không chỉ mang lại lợi thế môi trường, mà quan trọng chúng ta không làm, chúng ta không bán sản phẩm sang nước khác”, ông Alex nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt nam (VBCSD) cho biết đã đến lúc doanh nghiệp định nghĩa lại về sự thành công.
“Liệu có phải tạo ra nhiều lợi nhuận càng tốt không. Quan niệm doanh nghiệp vì lợi nhuận đã chết. Một doanh nghiệp bền vững phải gắn thành công về tài chính, kinh tế và xã hội, tạo công ăn việc làm, và quan trọng hơn là bảo vệ môi trường. Đó là giá trị mới mà doanh nghiệp tạo ra”, ông Vinh nhấn mạnh.
Trong phát triển bền vững, vị này lưu ý về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, như thế nào là doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ xanh. Bởi nếu sản phẩm muốn xuất khẩu nhưng không chứng minh được dùng nguồn năng lượng sạch thì sẽ khó xuất khẩu sang châu Âu.
“Doanh nghiệp phải tự giải trình, không phải đối phó với quy định này nọ vì đã là pháp luật, quy định phải tuân theo. Nhưng cái chính là giải trình cho cổ đông và khách hàng và đối tác. Chính giải trình đó là quản trị rủi ro rất tốt. Ví dụ tạo ra sản phẩm mất bao nhiêu năng lượng, có xanh không, nguyên phụ liệu có sạch không”, ông Vinh phân tích.