Tiền tệ mới từ thị trường carbon hút các quỹ đầu tư
(DNTO) - Thị trường carbon là một thị trường mới, hấp dẫn, vừa giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận và góp phần giảm hiệu ứng nhà kính.
Kiếm tiền từ thị trường carbon
Việt Nam có 14,7 triệu ha rừng, độ che phủ khoảng 42%, đa dạng sinh học cao, 25 triệu người dân sống phụ thuộc vào rừng. Theo chuyên gia, đây là lợi thế để Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng chất lượng cao.
Ước tính trung bình mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ trung bình khoảng 69,8 triệu tấn carbon. Giai đoạn 2018 - 2025, rừng ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ dự kiến chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho quốc tế.
Dự báo mức độ phát thải khí nhà kính toàn cầu có thể tăng gấp đôi đến 2030 nếu không có giải pháp kịp thời, TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn đề chính trị của toàn cầu.
Các nỗ lực chống biến đổi khí hậu cũng tạo ra một thị trường mới là thị trường carbon. Điểm đặc biệt, thị trường này không chỉ đáp ứng mục tiêu giảm phát thải và đóng góp phát triển bền vững mà còn tạo ra tiền tệ mới và giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng gia nhập thị trường này để tăng sức cạnh tranh.
“Những doanh nghiệp lớn như Vinfast và nhiều quỹ đầu tư khác ở Việt Nam đã tiếp cận tìm hiểu về tiến trình carbon như cơ chế, định giá. Thị trường xanh với công nghệ ít phát thải không chỉ tốt cho doanh nghiệp mà còn tốt cho cộng đồng", ông Huy nói trong trong khuôn khổ Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2023 sáng 17/5.
Ngoài ra, Việt Nam cũng rất nhanh trong việc tung ra các chính sách khai thác thị trường carbon. Những vấn đề này đã được đưa vào Luật bảo vệ môi trường, cũng như các nguyên tắc cơ bản về phát triển thị trường cacbon vào năm 2022. Bộ Tài nguyên môi trường dự kiến ra mắt sàn giao dịch cacbon vào năm 2025, muộn nhất là 2027.
Lấy ví dụ về mô hình kinh doanh giảm phát thải và kiếm tiền từ thị trường carbon, ông Huy đưa ra ví dụ về chương trình sản xuất 1 triệu ha lúa gạo. Kế hoạch là bán tín chỉ để tăng doanh thu cho doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Hiện Thái Lan, Nhật Bản hay Hồng Kông và Singapore đều lần lượt ra mắt các sàn giao dịch carbon. Theo Bloomberg, các sàn giao dịch carbon tự nguyện trong khu vực đã huy động được hàng chục triệu USD. Các nhà đầu tư đều kì vọng rằng cam kết bảo vệ khí hậu của các nước và doanh nghiệp là động lực tăng trưởng của thị trường này.
Mất cơ hội gọi vốn vì không “xanh”
Là quỹ đầu tư có hàng chục năm hoạt động ở thị trường Việt Nam, “khẩu vị” của VinaCapital là ưa thích các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh bền vững, giải quyết các vấn đề của xã hội.
Ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ Đầu tư VinaCapital, cho biết phát triển bền vững là xu thế không thể chối cãi và nên có trong mọi hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Quỹ này đánh giá cao các doanh nghiệp có sự chủ động tham gia vào phát triển vững vững thông qua các hành động cụ thể như tiết kiệm năng lượng, chi phí, sản xuất; giảm hoặc tái sử dụng phế phẩm….
“Cách đây vài năm, chúng tôi đầu tư vào doanh nghiệp nhựa có mô hình kinh doanh tương đối tốt nhưng mô hình quản trị chưa phù hợp. Sau khi được hỗ trợ quản lý dòng tiền, tài chính, tái cấu trúc… doanh nghiệp hoạt động trơn tru hơn, hiệu quả kinh doanh đột phá hơn", ông Công nêu ví dụ.
Cũng theo vị này, cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam khiến những yêu cầu về ESG (tiêu chuẩn bền vững) được đặt ra cấp thiết và dồn dập hơn. Đây là xu hướng phát triển của thế giới nhưng ở Việt Nam, các startup có giải pháp đột phá về ESG chưa nhiều.
“Trước đây, các quỹ đầu tư chỉ nhìn vào các yếu tố như lợi nhuận, dòng tiền... của doanh nghiệp nhưng nay thêm tiêu chí ESG. Các quỹ đánh giá xem hoạt động của doanh nghiệp có gây rủi ro với môi trường hay không, doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững như thế nào. Dòng vốn FDI cũng đang phát triển vận hành theo xu hướng này”, ông Công cho hay.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện HD Bank cho biết trong việc giải ngân vốn vay, ngân hàng này cũng rất chú trọng đến yếu tố ESG và dành ưu tiên, ưu đãi cho những doanh nghiệp chú trọng yếu tố này.
“Chúng tôi có bộ phận chuyên trách về ESG, sẵn sàng từ chối những dự án gây rủi ro cho môi trường, xã hội. Trong 3-5 năm qua, HDBank là một trong những ngân hàng tiên phong đầu tư cho điện mặt trời, sắp tới là điện gió ngoài khơi...”, ông Bùi Xuân Hương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank, cho biết.
Theo TS Lương Quang Huy, cam kết đưa phát thải ròng về 0 năm 2050 tuy sẽ thách thức nhưng cũng là lợi thế để Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Vị này kiến nghị cần nhanh chóng chuyển từ nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng sạch. Hiện Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ điện tái tạo chiếm 70% vào năm 2030. Điều này đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ của cả Chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế.