Lật ngược thế cờ nhờ ESG
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp đã chứng minh rằng họ bước đầu có lợi thế nhờ nỗ lực triển khai ESG (phát triển bền vững dựa trên 3 tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị).
Hút tiền nhờ ESG
Cuối năm ngoái, một khoản đầu tư lên tới 900 tỷ đồng được Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) rốt về cho Công ty Nông nghiệp BaF, để phát triển chuỗi chăn nuôi khép kín. Để đạt được khoản đầu tư này, bên cạnh các chỉ số tài chính, BaF đã phải rất nỗ lực để đáp ứng các tiêu chí khắt khe về ESG.
Tương tự, Tập đoàn SCG (Tập đoàn Thái Lan có hơn 20 công ty thành viên ở Việt Nam) sau khi kết thúc năm tài chính 2022 cũng ghi nhận doanh thu tăng 7%, đạt hơn 383 nghìn tỷ đồng, nhờ nỗ lực thực hiện ESG trong thập kỷ qua.
Cụ thể, trong bối cảnh lợi nhuận bị giảm do chi phí năng lượng tăng cao, lạm phát và suy thoái kinh tế, công ty đã tăng tốc phát triển các sản phẩm xanh như năng lượng tái tạo, polyme sinh học, giải pháp tiết kiệm năng lượng và bao bì bền vững. Trong năm 2022, doanh số của các sản phẩm xanh đã tăng 34%, chiếm 51% tổng doanh số.
Ở một diễn biến ngược lại, nhiều doanh nghiệp dệt may chậm chạp trong đầu tư ESG cũng ngay lập tức nhận “trái đắng”. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong ngành này đã ghi nhận lượng đơn hàng sụt giảm từ 40-50%, thậm chí có thời điểm không thể nhận đơn hàng, chỉ vì rụt rè trong đầu tư ESG.
Có thể thấy ESG đang trở thành lợi thế để doanh nghiệp lật ngược thế cờ trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Ở bên trong, ESG giúp nền móng của các doanh nghiệp vững hơn nhờ quản trị tốt hơn. Ở bên ngoài, ESG giúp doanh nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư cũng như tạo sức hấp dẫn với khách hàng, đối tác.
Một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết giá trị các khoản vay liên quan đến ESG đã tăng hơn gấp 3 lần trong năm 2021, chiếm gần 18% nguồn tài chính nước ngoài cho các thị trường mới nổi, trừ Trung Quốc. Bloomberg Intelligence cũng nhận định tài sản ESG toàn cầu có thể chạm mốc 50.000 tỉ USD vào năm 2025.
ESG với doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cũng như các khoản giải ngân truyền thống từ ngân hàng, các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư thắt chặt trong bối cảnh lạm phát và suy thoái kinh tế.
Tránh vòng xoay “con gà- quả trứng”
Tuy nhiên, để thực hành tiêu chuẩn ESG, doanh nghiệp cũng cần phải có nguồn lực tài chính và có tổ chức tài chính sẵn sàng giải ngân vốn xanh. Nhưng, hết năm 2022, dư nợ tín dụng với các dự án xanh mới chỉ đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,2% tổng dư nợ của nền kinh tế (theo Vụ Chính sách tiền tệ). Đây là một con số còn khiêm tốn so với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong khi đó, các ngân hàng cho biết đều có xu hướng tăng nguồn vốn xanh, nhưng lại khó khăn khi tìm được các mô hình xanh để giải ngân, do phải đáp ứng nhiều tiêu chí. Đó cũng là một trong những lý do khiến việc thực hiện ESG trong các doanh nghiệp Việt còn lạ lẫm. Chỉ có 28% doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai ESG, theo PwC và VIOD.
Thiếu vốn, khó khăn giải ngân dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu nguồn lực để thực hiện các chiến lược ESG. Nhưng không thực hiện ESG thì doanh nghiệp lại khó gọi vốn, thuyết phục đối tác và bán hàng. Vòng xoay “con gà – quả trứng” vì vậy sẽ tiếp tục lặp lại nếu không gỡ vướng về cơ chế.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên mới đây đã khuyến nghị, mặc dù thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) tại Việt Nam đang phát triển rất nhanh, các quy định ESG trong nước vẫn còn ít và nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thường không cụ thể và không có bất kỳ hướng dẫn hoặc phân bổ trách nhiệm pháp lý rõ ràng nào.
"Sự thiếu chắc chắn này có khả năng cản trở các quyết định đầu tư và đòi hỏi phải tăng thêm nguồn lực và chi tiêu cho khía cạnh thẩm định môi trường của các thương vụ M&A", ông Gabor nói.
Để duy trì khả năng cạnh tranh, theo đại diện của EuroCham, Việt Nam cần thiết lập các tiêu chuẩn rõ ràng và đẩy nhanh tốc độ ban hành các văn bản pháp luật hỗ trợ các cam kết mạnh mẽ của COP26 về tính bền vững và phát thải ròng bằng không. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức giữa các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân và nhà nước về tầm quan trọng của các tiêu chuẩn ESG trong đầu tư M&A.
“Chúng tôi kiến nghị hợp nhất các tiêu chuẩn ESG hiện có thành các nguồn luật toàn diện và cụ thể và thông qua các luật bổ sung để khắc phục những lỗ hổng hiện có và tạo ra tình huống rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tính minh bạch, bền vững và bảo vệ môi trường trong toàn bộ khu vực hành chính nhà nước cần được chú trọng thông qua hành chính công và hướng đầu tư M&A vào các mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư tìm hiểu về các tác động môi trường của việc đầu tư vào Việt Nam”, ông Gabor Fluit khuyến nghị.