Một đơn hàng thải ra hàng chục cái túi nilon: Thương mại điện tử buộc phải xanh hóa
(DNTO) - Nhanh, tiện, giá rẻ và yêu cầu đảm bảo chất lượng của người mua đã buộc nhà bán hàng tăng sử dụng nguyên vật liệu trong đóng gói. Nhưng điều này gây hại rất lớn cho môi trường và đặt ra yêu cầu “xanh hóa” ngành thương mại điện tử.
Mang 2 bức ảnh từ 2 lần gọi đồ ăn đến Diễn đàn Hoàn tất đơn hàng 2023 ngày 21/7, ông Nguyễn Thanh Hưng, Hội đồng tư vấn cấp cao về Thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), phải thốt lên “quá nhiều bao bì nhựa và nilon”. Đây cũng là mặt trái của xu hướng tiêu dùng nhanh hiện nay, đang được hỗ trợ bởi thương mại điện tử.
Theo ông Hưng, thời gian qua, thương mại điện tử phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng đạt 25% mỗi năm, và tốc độ này chắc chắn sẽ được duy trì. Dự kiến quy mô thị trường đạt 49 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, thương mại điện tử không thể mãi ham muốn phát triển nhanh, mà đã đến lúc nghĩ đến phát triển bền vững.
Đưa ví dụ tại diễn đàn, một doanh nghiệp vận chuyển cho biết, với những đơn hàng dễ vỡ, nhiều shop, cửa hàng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên cũng yêu cầu đơn vận chuyển đóng gói nhiều rất nhiều lớp. Việc này làm tăng lượng rác thải rất lớn ra môi trường.
“Do tỉ lệ hàng móp méo nhiều nên các nhà bán hàng thay vì sử dụng bìa carton 3 lớp, thì phải dùng bìa 5 lớp. Không chỉ giấy vụn để lót mà phải thêm bìa xốp chống sốc, thậm chí thay vì dán 2 đường băng keo thì giờ phải dán kín hộp, kín các góc cạnh”, đại diện doanh nghiệp cho biết.
Thừa nhận tình trạng móp méo hàng hóa là nguyên nhân khiến nhà bán hàng phải đóng gói kĩ lưỡng hơn, ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Chiến lược và Thương hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cũng thừa nhận ở Việt Nam, tiêu chuẩn về đóng gói còn kém. Tại các nước phát triển, họ quy định về kích cỡ hộp đóng gói, các cửa hàng, doanh nghiệp vạn chuyển chỉ việc mua về và đóng gói vào các sản phẩm phù hợp. Nhưng ở Việt Nam, mỗi loại hàng đóng gói một kiểu.
“Hiện chúng tôi nhận cả phong bì thư, chậu cây cảnh cho đến xe đạp. Trong khi đó đa phần thói quen của các shop vẫn tự đóng gói và gọi đơn vị vận chuyển đến và gửi đi. Không có quy định đóng gói gây khó cho tất cả khâu, từ đóng gói, chia chọn cho đến sắp xếp hàng hóa lên xe”, ông Lê nêu thực trạng.
Chia sẻ kinh nghiệm giảm rác thải trong khâu đóng gói, ông Vũ Quốc Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam cho biết, hành trình đơn hàng từ nhà sản xuất đến người bán hàng đi qua từ 20-30 bước. Hàng hóa hiện nay đa dạng nhưng quy chuẩn đóng gói thì số lượng cho hạn. Do vậy, Lazada đã sử dụng hệ thống xác định kích thước bao bì tự động để tiết giảm rác thải. Sử dụng bao bì có chứng nhận FSC hay tái sử dụng thùng carton làm vật liệu chèn lót.
Còn tại Vietnam Post, đây là doanh nghiệp bưu chính đầu tiên tại Việt Nam sử dụng xe máy điện trong giao nhận hàng hóa. Đơn vị hiện có 100 chiếc container trên 2 tàu container nhanh Hà Nội - Bình Dương (2021), lưu thoát khoảng 300 tấn hàng. Việc xanh hóa hoạt động vận tải giúp Vietnam Post giảm lượng khí thải CO2 khoảng 8,8 lần.
Với hoạt động đóng gói, Vietnam Post ưu tiên sử dụng túi giấy, túi vải, chai lọ bình thủy tinh tại hơn 13.000 điểm phục vụ, số hóa tài liệu, quy trình để giảm thiểu in ấn, sử dụng giấy.Nhưng với các doanh nghiệp vận chuyện nhỏ lẻ thì việc giảm thiểu phát thải từ hoạt động đóng gói, vận chuyển vẫn là một vấn đề lớn.
Pháp luật về thương mại điện tử “vắng bóng” quy định “xanh”
Ông Nguyễn Thanh Hưng Hưng cho biết, hiện rất nhiều doanh nghiệp như Lazada, Grab, Bưu điện Việt Nam…, hay một số tổ chức xã hội nghề nghiệp (TRAFFIC Việt Nam, Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nilon dùng một lần…) quan tâm đến xu hướng xanh và đã có những hành động cụ thể, đôi khi còn nhanh hơn cơ quan chức năng và các cơ quan nghiên cứu.
“Bàn tay quản lý của nhà nước vô cùng quyền lực, cơ quan quản lý quá bận thứ khác, bận làm sao cho thương mại điện tử phát triển nhanh, cho nên các văn bản bỏ quên khái niệm bền vững, môi trường, mà chỉ chú trọng phát triển nhanh. Tôi có thử tìm kiếm các nghiên cứu về tác động của thương mại điện tử với môi trường, nhưng có khả năng do trình độ tìm kiếm kém, nên tôi tìm mấy ngày trời không có nghiên cứu nào. Nhưng các bài viết về vấn đề này bằng tiếng Anh rất nhiều, rất hay, từ năm 2011-2012 nước ngoài đã có rất nhiều nghiên cứu về điều này”, ông Hưng nêu thực trạng.
Trong khi đó, theo ông Hưng, tại Luật Thương mại điện tử năm 2018 của Trung Quốc, đã có những điều khoản quy định doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, doanh nghiệp thương mại điện tử phải tuân thủ các yêu cầu môi trường, sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện. Luật này cũng ràng buộc trách nhiệm của Chính phủ và cơ quan chức năng có giải pháp hỗ trợ phát triển hoạt động vận tải, kho bãi và đóng gói thân thiện với môi trường.
Trong lĩnh vực bưu chính, năm 2022, tổng sản lượng bưu gửi lên tới 1.900 cái, có 800 doanh nghiệp trong ngành với 23.400 điểm phục vụ bưu chính. Trong năm 2023, mục tiêu sản lượng bưu gửi là 2,4 tỷ.
Đồng tình với quan điểm yếu tố “xanh” còn vắng bóng trong các văn bản pháp luật liên quan đến thương mại điện tử Việt Nam, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết trong chiến lược phát triển ngành bưu chính đến năm 2025 đặt ra 5 mục tiêu và 8 giải pháp. Tuy nhiên, ông Trung cũng thừa nhận, yếu tố “xanh hóa”, “bảo vệ môi trường” cũng chưa có trong chiến lược này.
“Mới đây, tôi có tham dự Diễn đàn bưu chính thế giới, chủ yếu vẫn là các nước phát triển như Pháp, Anh nói về bưu chính xanh, còn với các nước phát triển, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức”, ông Trung nói.
Vụ trưởng Vụ Bưu chính cũng cho biết sẽ kiến nghị đưa nội dung bưu chính xanh vào luật. Đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, theo ông Trung, việc truyền thông nâng cao nhận thức là về dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn và để đạt hiệu quả ngay, cần phải đưa yếu tố tuân thủ bảo vệ môi trường vào quy định cấp phép cho doanh nghiệp thương mại điện tử.