Một nhà máy điện rác cần 4.000 tỷ đồng nhưng ngân hàng chỉ cho vay 50%
(DNTO) - Ngân hàng khó giải ngân cho các dự án xanh khiến doanh nghiệp phải thế chấp bằng các tài sản khác để có thể vay vốn.
Lận đận vay vốn xanh
Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO là doanh nghiệp tập trung vào đầu tư điện gió, xử lý nước thải, rác thải công nghiệp và phát điện. Tuy nhiên, đơn vị này đang gặp khó khăn liên quan đến tiếp cận nguồn vốn. Bởi đây là những lĩnh vực mới, các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi cho vay vốn thường dè chừng.
“Doanh nghiệp không có thực lực tài chính chắc chắn không thể tiếp cận vốn vay”, ông Nguyễn Trọng Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO, chia sẻ trong Diễn đàn: Công nghệ Năng lượng và Môi trường 2023 sáng 29/6.
Vị này ví dụ với dự án nhà máy điện rác Seraphin của công ty tại Sơn Tây (Hà Nội), nguồn vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, khi làm việc với ngân hàng BIDV, phải mang tài sản khác của tập đoàn thế chấp, nhưng cũng chỉ vay được từ 50-60%.
“Không thể lấy dự án đó ra để thế chấp, mà phải lấy tài sản khác ngoài dự án. Đó là khó khăn vô cùng với các doanh nghiệp nội địa như chúng tôi. Với các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành này, người ta được hỗ trợ, có chính sách nên họ cũng thuận lợi hơn”, ông Quỳnh bày tỏ.
Đại diện AMACCAO cho biết, khác với Quy hoạch điện 7 nêu rõ từng dự án với công suất cụ thể, thì Quy hoạch điện 8 vừa ban hành không có. Do vậy, khi thực hiện các dự án xử lý môi trường, như đốt rác phát điện, các địa phương rất lúng túng trong việc xác định, bổ sung công suất như thế nào. Điều này tạo ra một thủ tục rất khó khăn.
“Sắp tới AMACCAO sẽ triển khai thêm các nhà máy điện rác. Dự án đốt rác phát điện các địa phương đều quan tâm nhưng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn mới có thể triển khai. Đơn cử như nhà máy điện rác Seraphin, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mà cứ đi theo tuần tự thì rất khó hoàn thành”, ông Quỳnh nói.
Theo World Bank, Việt Nam ước tính cần thêm 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm để thực hiện Net Zero. Tuy nhiên, nguồn lực của khối công chỉ đáp ứng khoảng 1/3 số vốn này. Hiện đã có 40 tổ chức tín dụng tại Việt Nam đồng ý tài trợ cho các dự án xanh, nhưng quy mô mới chỉ mở mức 500.000 tỷ đồng, chiếm trên 4% tổng dư nợ nền kinh tế.
Phía các tổ chức tín dụng cho rằng chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá các dự án xanh nên khó khăn trong việc giải ngân. Do vậy, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút xây dựng Bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là cơ sở để lựa chọn dự án đầu tư cũng như điều kiện để tiếp cận khoản vay xanh.
Tốc lực tìm nhà đầu tư ngoại
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết Quy hoạch điện 8 đã có những thay đổi về chất so với các quy hoạch trước để đạt được mục tiêu Net Zero đến năm 2050.
Trong đó, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo với tỷ trọng từ 31-39% đến năm 2030, thậm chí lên mức 47% nếu nhà đầu tư quốc tế có thể hỗ trợ. Tuy nhiên, song song với đó, nhu cầu vốn sẽ tăng 30-40%. Đây là thách thức rất lớn, cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
“Gần đây nhất, chúng tôi có cuộc họp với nhà đầu tư hydro xanh ở Bến Tre. Đây là dự án tiên phong trong lĩnh vực này. Chúng tôi hy vọng với cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư vào năng lượng sẽ giúp Chính phủ Việt Nam thực hiện được quy hoạch điện 8”, ông Vũ nói.
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ, cho biết ở giai đoạn trước, đã có nhiều công nghệ năng lượng nổi bật như giàn khoan tự nâng 90m nước của PVN, chế tạo máy biến áp 500kV của nhà máy thủy điện Đông Anh hay Viện Cơ khí đã làm chủ thiết bị phụ trợ cho nhà máy nhiệt điện lên tới 600kW…
Ở giai đoạn hiện nay, về chính sách, Chiến lược khoa học công nghệ đến năm 2030 đã đưa năng lượng là một trong những ưu tiên hàng đầu; Quyết định 38 của Thủ tướng nhấn mạnh về danh mục sản phẩm công nghệ cao ưu tiên phát triển trong đó có năng lượng như phát triển nguồn sơ cấp, năng lượng tái tạo, điều khiển hệ thống, chế tạo pin năng lượng mặt trời…
“Như tôi được biết, ở Việt Nam hiện đã có một số doanh nghiệp đạt chứng nhận công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất pin, tấm pin năng lượng mặt trời… và những doanh nghiệp này được hưởng ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuần trước, các viện công nghệ công nghiệp phía Hàn Quốc cũng đã kí hợp tác với chúng tôi, cam kết hợp tác để nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ lưu trữ carbon mới. Ngân sách của các viện này lên tới hơn 3 tỷ USD, họ sẵn sàng dành một khoản cho hợp tác với Việt Nam”, ông Hoàng thông tin.
Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8. Bộ Công thương hiện đang tập trung lấy ý kiến các cấp, ngành trước khi trình Chính phủ. Kế hoạch được thông qua là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài tự tin rót vốn vào lĩnh vực năng lượng Việt Nam.