Cuộc đua theo đuổi nguồn năng lượng vô hạn - Bài 1: Tâm điểm của tài phiệt công nghệ
(DNTO) - Một loạt đại tỷ phú ngành công nghệ, trong đó có Jeff Bezos và Bill Gates đang theo đuổi đầu tư một công nghệ năng lượng vô hạn.
Sam Altman nhanh chóng trở thành một “ngôi sao công nghệ” sau khi OpenAI - công ty trí thông minh nhân tạo mà ông đứng đầu mang đến một bước tiến mới như khoa học viễn tưởng cho ngành công nghệ.
Nhưng Altman, cũng như một loạt nhà đầu tư nổi trội của Thung lũng Sillicon, đã đặt cược vào một loại công nghệ còn viễn tưởng hơn nữa: Một hãng năng lượng hạt nhân hợp hạch (nuclear-fusion) mang tên Helion Energy Inc.
Altman chỉ là một trong số hàng loạt các nhà sáng lập công ty và tỷ phú theo đuổi đầu tư vào loại năng lượng tìm kiếm tái tạo cách thức hoạt động của mặt trời và cho ra nguồn năng lượng gần như vô hạn. Danh sách những “kẻ đặt cược” bao gồm tỷ phú Amazon - Jeff Bezos, nhà đồng sáng lập Paypal - Peter Thiel, nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates và Marc Benioff của Salesforce.
"Giấc mơ vĩ đại"
Những nhà đầu tư này đang mong đợi giấc mơ xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch (fusion reactor) đầu tiên sẽ sớm thành hiện thực.
Ông Benioff gọi công nghệ này là một “giấc mơ vĩ đại”.
“Đó là chén thánh (holy grail). Đó là kỳ lân thần thoại” - ông Benioff, CEO của Salesforce Inc., người đã đầu tư vào Commonwealth Fusion Systems, một nhánh của Viện Công nghệ Massachusetts, nói. Hãng này cũng nhận đầu tư từ Bill Gates.
Năng lượng hạt nhân hợp hạch đã luôn được xem là một nguồn năng lượng “sạch”, có thể thay thế cho các loại nhiên liệu hóa thạch, vốn thải khí nhà kính gây ô nhiễm. Những loại công nghệ và ứng dụng khác được phát triển song song với năng lượng hạt nhân hợp hạch bao gồm nam châm cực mạnh, máy bắn tia laser tốt hơn và công nghệ xạ trị chống ung thư.
Riêng năng lượng hạt nhân hợp hạch thì “không có giới hạn nếu ta có thể làm nó hoạt động”, ông Benioff nói.
Bước đột phá của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore là thành quả của nghiên cứu kéo dài hơn 60 năm, lần đầu tiên cho thấy khả năng tạo ra năng lượng vô hạn.
Các nơi phát triển công nghệ này hầu hết là tại Mỹ, Canada và châu Âu. Họ đã thúc đẩy đà phát triển kể từ tháng 8/2021, khi các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore tiến gần đến khả năng thu nhiều năng lượng hơn trong phản ứng nhiệt hạch so với năng lượng được cung cấp.
Phản ứng năng lượng hạt nhân hợp hạch diễn ra khi hai hạt nhân nguyên tử nhẹ hợp nhất để tạo thành một hạt nặng hơn. Quá trình đó giải phóng một lượng năng lượng khổng lồ, nhưng lại không phát thải carbon và rất ít phóng xạ. Nhưng bài toán khó nhất cho các công ty công nghệ là duy trì các phản ứng nhiệt hạch và khai thác nguồn năng lượng đó.
Sẽ rất khó để biết khi nào thì các hãng công nghệ hạt nhân hợp hạch sẽ thành công. Chính vì thế, đầu tư vào công nghệ này là vô cùng rủi ro, tỷ lệ thất bại cao hơn cả những gì mà giới đầu tư mạo hiểm đã quen thuộc.
Cho một thế giới tốt đẹp hơn
Ông Benioff cho biết ông đã được thuyết phục bởi Vinod Khosla, nhà đồng sáng lập Sun Microsystems, và là một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào các công ty tư nhân phát triển công nghệ này.
Khosla đã bỏ hơn 15 tháng nghiên cứu, thẩm định, cùng với ba đội ngũ khác nhau để đánh giá công nghệ trước khi quyết định đầu tư.
Ông Khosla tin rằng nhiều loại công nghệ hạt nhân hợp hạch nên được thí nghiệm và đầu tư vào một hãng khác, mang tên Realta Fusion, một nhánh tách ra từ Đại học Wisconsin-Madison
“Theo tôi thì chỉ cần một trong các công nghệ này thành công, là đủ để làm thế giới tốt đẹp hơn” - ông Khosla nói.
Dưới góc độ của một nhà đầu tư, ông Khosla bình luận: “Về lợi nhuận, ta có thể lỗ một lần hay có thể lời hàng ngàn lần. Đó là bài toán của năng lượng hạt nhân hợp hạch”.
Các hãng công nghiệp, công ty dầu hỏa lớn, quỹ quốc gia cũng như Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn đang tìm nguồn năng lượng thu nhỏ cho vệ tinh, cũng đang đầu tư phát triển công nghệ hạt nhân hợp hạch.
Bài 2: Tăng tốc nhờ công nghệ máy tính