Chấm dứt thời kỳ 'giả tạo' ở Thung lũng Silicon - Bài 1: Không còn dễ dãi
(DNTO) - Khi vốn đầu tư cạn dần, các công ty khởi nghiệp ngành công nghệ bị đặt dưới “ống kính” soi mói tỉ mỉ, lộ ra những kẻ theo phương thức “giả tạo” quá đà.
Những "loạt súng" pháp lý
Đã hết thời kỳ “giả tạo” ở Thung lũng Silicon. Ngành công nghệ tại Mỹ đang đối mặt với nguồn vốn cạn dần, dẫn đến việc giới đầu tư xem xét các công ty khởi nghiệp cẩn thận hơn. Điều đó làm lộ ra những kẻ đã đi quá đà với phương thức “giả vờ cho đến khi thành thật” (“fake it till you make it”) phổ biến trong ngành.
Trong vòng hai tuần qua đã có nhiều tên tuổi bị “sa lưới”: Charlie Javice, nhà sáng lập công ty hỗ trợ tài chính Frank, với tội danh giả tạo thông tin khách hàng. Một bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết tội danh lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư cho Rishi Shah, đồng sáng lập công ty phần mềm quảng cáo Outcome Health. Và một thẩm phán đã đưa bản án 11 năm tù cho Elizabeth Holmes, nhà sáng lập công ty xét nghiệm máu Theranos, với tội danh lừa đảo giới đầu tư.
Những diễn biến này đã nối đuôi theo vụ án của Carlos Watson (Ozy Media), Christopher Kirchner (Slync), cả hai đều bị kết tội lừa đảo giới đầu tư. Trong khi đó vẫn còn một loạt các vụ kiện đang chờ xét xử của Manish Lachwani (HeadSpin) và đặc biệt là Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập sàn giao dịch tiền tệ mã hóa FTX, với bản án gồm 13 tội danh lừa đảo.
Thuyên giảm vốn đầu tư có lẽ là nguyên nhân chính của hiện tượng này. Những phương thức thiếu đạo đức có thể bị lờ đi trong thời kỳ êm ái, như giai đoạn những năm 2010 của ngành công nghệ.
Với những “loạt súng” pháp lý liên tiếp như thế, có vẻ như chiêu bài vực dậy chóng vánh nhờ sự phù phiếm của giới start-up đã gây ra nhiều hậu quả. Mặc dù trước kia cũng có rất nhiều scandal lớn (Uber, WeWork) và sụp đổ (Juicero), nhưng hiếm khi các nhà sáng lập phải đối mặt với cáo buộc pháp lý khi họ đẩy mạnh giới hạn của sự “giả tạo” kinh doanh.
Thủy triều rút, lộ ra những kẻ "bơi truồng"
Thuyên giảm vốn đầu tư có lẽ là nguyên nhân chính của hiện tượng này. Những phương thức thiếu đạo đức có thể bị lờ đi trong thời kỳ êm ái, như giai đoạn những năm 2010 của ngành công nghệ. Giữa 2012 và 2021, vốn đầu tư cho ngành công nghệ ở Mỹ đã “giật” lên cao gấp 8 lần, đạt 344 tỷ đô la, theo thông số thống kê các công ty start-up của PitchBook. Đã có hơn 1.200 công ty được xem là hiện tượng “kỳ diệu” với định giá ít nhất 1 tỷ đô la.
Nhưng khi nguồn tiền cạn kiệt, câu nói nổi tiếng của Warren Buffett - “Chỉ khi thủy triều rút, thì mới lộ ra những ai bơi truồng”, lại thành sự thật. Hay như lời nhắn nhủ cho các nhà khởi nghiệp từ Brian Chesky, CEO của Airbnb, đăng trên Twitter sau khi FTX công bố phá sản: “Cảm thấy như đang ở hộp đêm thì bỗng dưng đèn bật lên”.
Trong quá khứ, các hãng đầu tư mạo hiểm rất ngại tìm đến biện pháp pháp lý khi họ phát hiện lừa đảo từ các công ty khởi nghiệp. Start-up thường nhỏ, rất ít tài sản để thu hồi, và gây chuyện với các nhà sáng lập có thể gây hại cho danh tiếng của các nhà đầu tư.
Nhưng khi các công ty “kỳ diệu” trỗi dậy, thu hút vốn hàng tỷ đô la, đã có nhiều tên tuổi gạo cội trong ngành đầu tư tham gia, bao gồm quỹ phòng hộ, tập đoàn đầu tư và quỹ tương hỗ.
“Khi canh bạc càng mạo hiểm thì phép tính càng phải cẩn thận” - theo lời giáo sư Alexander Dyck, khoa Tài chính Đại học Toronto.
Kèm theo đó là lời khuyến khích từ Bộ Tư pháp Mỹ, thúc giục các công tố viên theo đuổi những cáo buộc lừa đảo trong kinh doanh, bao gồm cả start-up tư nhân. Và thế là bản án cho các nhà sáng lập Frank, Ozy Media, Slync, HeadSpin và nhiều hơn nữa được đưa ra.
Khi hàng loạt các vụ lừa đảo trong ngành start-up lộ dần ra, những gã khổng lồ trong ngành đầu tư đã phải khoác lên một vai trò khác: Nạn nhân.
IRL, một tiện ích nhắn tin định giá 1 tỷ đô la, đang bị điều tra vì giả tạo số lượng người dùng để lừa dối nhà đầu tư. Rumby, một hãng giao nhận giặt ủi, vướng cáo buộc bịa đặt thu nhập tốt đẹp để thu hút vốn, rồi bị biển thủ bởi nhà sáng lập để mua một căn hộ trị giá 1,7 triệu đô la.
Bên cạnh đó, giới truyền thông đã chỉ ra các hành động sai trái ở nhiều hãng start-up, bao gồm Olive, một hãng phần mềm y tế có giá 4 tỷ đô la và Nate, hãng thương mại điện tử sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo.
Bầu không khí giữa các hãng đầu tư mạo hiểm là cảm giác “tâng hẩng”. Khi định giá các hãng khởi nghiệp còn dâng cao, các nhà đầu tư đã được xem là những kẻ nhìn xa trông rộng, đang trên đường tạo ra những vị “vua” mới. Họ dễ dàng thuyết phục các quỹ hưu trí, tài trợ từ trường đại học, các nhà tài phiệt giàu có... rằng họ có năng lực đặc biệt, có thể dự đoán tương lai và đang tài trợ cho những Steve Jobs mới.
Nhưng khi hàng loạt các vụ lừa đảo trong ngành start-up lộ dần ra, những gã khổng lồ trong ngành đầu tư đã phải khoác lên một vai trò khác: Nạn nhân.
Alfred Lin, một nhà đầu tư thuộc Sequoia Capital, hãng đầu tư hàng đầu tại Thung lũng Silicon, đã đổ 150 triệu đô la vào FTX, nay ngẫm lại về “thảm họa crypto” này: “Đau không phải là vì chúng tôi đã đầu tư, mà đau là ở chỗ hơn một năm rưỡi làm việc với họ mà chúng tôi đã không thấy được vấn đề”.
Bài 2: Chân dung những kẻ nói dối