Chấm dứt thời kỳ 'giả tạo' ở Thung lũng Silicon - Bài 2: Chân dung những kẻ nói dối
(DNTO) - Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu phân tích kỹ càng hơn các nhà sáng lập start-up, tìm kiếm những dấu hiệu có thể dẫn đến lừa đảo. Hóa ra họ đều có một số dấu hiệu tương tự.
Giới đầu tư mạo hiểm luôn hiểu tài sản của họ có tỷ lệ hiểm họa cao nhưng cũng hứa hẹn ăn lời ngoại cỡ. Thế giới start-up lại yêu mến sự thất bại, thậm chí nếu một doanh nhân không từng thất bại, thì sẽ bị xem là chưa đủ mạo hiểm. Tuy vậy, suy nghĩ đó chưa chắc sẽ còn tồn tại khi ngày càng có nhiều vụ bê bối đáng xấu hổ.
Chính vì thế, đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến các dịch vụ tư vấn như RHR International để phân tích các nhà sáng lập start-up, moi móc các dấu hiệu có thể dẫn đến lừa đảo. Eden Abrahams, một chuyên viên của RHR, cho biết: “Họ muốn thắt chặt các nguyên tắc đánh giá nhà sáng lập”.
Theo giáo sư Alexander Dyck, các hãng start-up dính líu với lừa đảo có một số điều kiện trùng lặp. Họ thường sử dụng các mô hình kinh doanh mới lạ, nhà sáng lập thường có quyền điểu khiển lớn, trong khi nhà đầu tư của họ không mấy khi giám sát kỹ càng. Đó là tình huống dễ xảy ra “lách luật” khi môi trường vốn trở nên khó khăn.
“Không đáng ngạc nhiên khi những vụ việc lừa đảo lại lộ ra trong vòng 18 tháng qua” - giáo sư Dyck nói.
Trong khi tìm cách bán công ty Frank cho JPMorgan Chase, nhà sáng lập Javice đã không hé lộ số lượng người dùng dịch vụ hỗ trợ tài chính này. Sau đó, Javice đã chỉ đạo nhân viên giả mạo hàng ngàn tài khoản người dùng. JPMorgan Chase đã trả cái giá 175 triệu đô la cho Frank vào 2021, một tin khiến các nhà đầu tư của Frank đồng loạt ăn mừng trên mạng xã hội.
Nay nhà sáng lập Charlie Javice phải đối mặt với 4 cáo trạng lừa đảo, với JPMorgan cáo buộc bà đã chuyển tiền qua một công ty giả sau khi vụ việc vỡ lở.
Outcome Health, hãng bán quảng cáo thuốc trong văn phòng bác sĩ, đã lôi kéo 488 triệu đô la vốn đầu tư bằng cách công bố mức tăng trưởng đột phá và sinh lời đáng nể. Các nhà đầu tư đằng sau công ty này có những tên tuổi như Goldman Sachs, hãng đầu tư CapitalG của Google và quỹ gia đình Thống đốc Illinois, J.B. Pritzker.
Thực chất, Outcome Health đã không thể đạt chỉ tiêu lợi nhuận, vật lộn với nợ nần và tính phí quá cao cho khách hàng.
Nhưng các nhà đầu tư đã làm lơ những sai phạm đó, cho phép hai nhà sáng lập, ông Shah và bà Shradha Agarwal bán ra cổ phiếu với giá trị 225 triệu đô la. Một nhà đầu tư Todd Cozzens, thuộc Leerink Partners, nói họ không ngại những vấn đề như thế vì nghĩ rằng nó có thể được “giải quyết”.
Outcome Health lấn sang lừa đảo khi họ chỉnh sửa bản báo cáo doanh số. Ông Shah bị kết án 19 tội và bà Agarwal 15 tội. Leerink Partners mất 90% số vốn 15 triệu đô la đầu tư.
Tương tự như thế, nhà sáng lập Slync, Christopher Kirchner, đã nói dối các nhà đầu tư về thành quả kinh doanh và dùng vốn đầu tư để mua máy bay cá nhân có giá 16 triệu đô la.
Và dĩ nhiên phải kể đến FTX, với số vốn 2 tỷ đô la đến từ những gã khổng lồ như Sequoia Capital, Lightspeed Venture Partners và Thoma Bravo, đưa định giá của FTX lên đến 32 tỷ đô la. Thế nhưng hãng này vận hành vô cùng lỏng lẻo, đến mức họ không có một danh sách nhân viên hoàn chỉnh.
Đã có lúc, nhà sáng lập FTX, Sam Bankman-Fried thú nhận với đồng nghiệp rằng quỹ đầu cơ của FTX, Alameda Research, “không thể kiểm soát được” và đôi khi tìm thấy 50 triệu đô la mà họ chưa bao giờ ghi nhận. “Đời là thế”, anh viết.
Sequoia đã từng lập một trang hồ sơ cá nhân hoành tráng ca ngợi Sam Bankman-Fried trên trang web của họ. Nay hãng này phải xin lỗi các nhà đầu tư khi FTX sụp đổ và bẽn lẽn xoá trang hồ sơ đó đi.
Ông Lin, Sequoia Capital, đã từng giải thích tại một sự kiện khởi nghiệp rằng ngành đầu tư mạo hiểm suy cho cùng là một ngành kinh doanh dựa trên niềm tin. “Nếu bạn không tin tưởng những nhà sáng lập thì tại sao bạn lại đầu tư vào họ?”
Có vẻ như niềm tin đó đã dễ dàng đặt vào nơi sai lầm.