Ngân hàng đầu tư Silicon Valley sụp đổ - Cộng đồng startup công nghệ Mỹ bấn loạn
(DNTO) - Ngân hàng Silicon Valley đã bị các nhà chức trách California buộc ngừng hoạt động, ngăn chặn ảnh hưởng lan rộng của một cuộc sụp đổ tài chính lớn nhất kể từ thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Sáng 11/3/2023, Ngân hàng đầu tư Silicon Valley Bank (SVB) đã trở thành sự sụp đổ tài chính lớn nhất kể từ Washington Mutual (2008).
Cuộc sụp đổ diễn ra vô cùng đột ngột đã gây chấn động thị trường, làm nhiều công ty và các nhà đầu tư sững sờ khi hàng triệu đô la bỗng dưng bị “đóng băng”.
Cơ quan quản lý ngân hàng bang California đã buộc SVB ngưng hoạt động và điều Tổng Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (Federal Deposit Insurance Corporation - FDIC) quản lý thanh lý tài sản.
FDIC cho biết văn phòng chính và các chi nhánh của SVB sẽ mở cửa trở lại vào ngày 13/3, và tất cả những người gửi tiền có bảo hiểm sẽ được quyền truy cập vào khoản tiền gửi của họ không muộn hơn sáng thứ Hai.
Tuy vậy, có hơn 89% của khoảng 175 tỷ đô la tiền gửi trong SVB không được bảo hiểm, tính đến 2022. Số phận của những khoản tiền gửi này vẫn đang treo lơ lửng.
Cuộc sụp đổ của Sillicon Valley Bank bắt nguồn từ những tài sản đầu tư lâu dài mà họ nắm giữ. Nhưng trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao, giá trị các tài sản đầu tư này rớt thê thảm.
Những công ty như hãng làm game Roblox Corp và nhà sản xuất thiết bị stream Roku cho biết, họ có hàng trăm triệu đô la tiền gửi trong SVB.
Roku nói, hầu hết tiền gửi của họ trong SVB có bảo hiểm, nhưng thị trường chứng khoán vẫn đẩy cổ phiếu của hãng này xuống 10% sau tin này.
Sillicon Valley Bank là một trong những cột trụ tài chính trọng tâm của nhiều công ty startup trong ngành công nghệ, với danh tiếng sẵn sàng “đánh cược” vào những công ty non trẻ vốn bị xem là quá mạo hiểm bởi các ngân hàng khác.
Vì thế, SVB có một mối quan hệ mật thiết với những tên tuổi lớn trong thung lũng Sillicon, chẳng hạn như Snapchat.
Cuộc sụp đổ của Sillicon Valley Bank bắt nguồn từ những tài sản đầu tư lâu dài mà họ nắm giữ. Nhưng trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao, giá trị các tài sản đầu tư này rớt thê thảm. Kèm theo ảnh hưởng của tình trạng ngành công nghệ đang khó khăn, số ký gửi trong ngân hàng này đã xuống thấp rất nhiều so với thời hoàng kim 2021.
Đến hôm 8/3, SVB công bố họ sẽ phải bán ra một lượng lớn cổ phiếu trị giá hơn 2,25 tỷ đô la để cân bằng khoản lỗ 1,8 tỷ đô la từ các đầu tư nói trên.
Tin này lan truyền trong giới đầu tư và dấy lên một làn sóng hoang mang. Một loạt hãng đầu tư cùng các công ty startup của họ rút tiền ồ ạt ra khỏi SVB.
Cổ phiếu của công ty mẹ SVB Financial Group đã rớt hơn 60% trong thứ Năm vừa qua, và tiếp tục mất 60% khi phiên giao dịch thứ Sáu bắt đầu.
Tình trạng tệ hại này đã khiến chính quyền California nhanh chóng vào cuộc, ấn định số phận cho SVB.
Tính về tầm cỡ, đây sẽ là cuộc sụp đổ ngân hàng ngang tầm với cuộc sụp đổ các ngân hàng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008.
Cuộc sụp đổ lớn trước đó là Washington Mutual, vốn đã giữ 307 tỷ đô la tài sản.
Số phận của Sillicon Valley Bank đã đổ một cái bóng đen tối lên tương lai vốn đầu tư cho ngành công nghệ.
Tác động tổng thể của sự kiện này sẽ phải mất nhiều tuần mới lộ rõ. Hiện tại, nó đã gây ra sự bấn loạn trong cộng đồng công ty startup công nghệ tại Mỹ, với nhiều công ty lo lắng không biết liệu họ có thể trả lương cho nhân viên trong thời gian tới.
Ashley Tyrner, CEO của hãng startup FarmboxRx, đang trong kỳ nghỉ thì nhận được hàng loạt tin nhắn báo động từ đồng nghiệp, yêu cầu cô rút toàn bộ tiền gửi ra khỏi SVB. Nhưng Ashley Tyrner đã không thể thực hiện vì trang web của SVB ngưng hoạt động.
“Tim tôi ngừng đập” - Ashley Tyrner nói. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ngân hàng này sẽ phá sản”.
Số phận của Sillicon Valley Bank đã đổ một cái bóng đen tối lên tương lai vốn đầu tư cho ngành công nghệ. Tuy vẫn còn vài tia hy vọng nhen nhóm từ những xu hướng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ trí thông minh nhân tạo, ngành công nghệ đang phải trải qua một thời gian rất khó khăn. Hầu hết các hãng công nghệ đã tiến hành “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi phí và nhân sự để đối phó với doanh thu yếu ớt.
Và cuối cùng, ta có thể nói SVB là “nạn nhân” của chính sách tăng lãi suất, chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Giới đầu tư Wallstreet đang tranh cãi liệu ảnh hưởng này có còn lan rộng ra toàn bộ hệ thống tài chính hay không.