Khi những ‘kẻ săn mồi’ kén ăn
(DNTO) - Những khoản đầu tư siết chặt cùng những yêu cầu khắt khe hơn của các nhà đầu tư buộc các startup phải tập trung vào các yếu tố kinh doanh cốt lõi.
Trong 12 tháng qua, vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm đến hơn 50%, theo Financial Times, cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này tạo một gánh nặng kinh tế không hề nhỏ tới các công ty khởi nghiệp còn non trẻ.
Việt Nam cũng không ngoại lệ khi năm ngoái, tổng vốn mạo hiểm đổ vào thị trường khởi nghiệp giảm tới 56%, chỉ đạt 634 triệu USD (theo Do Ventures, NIC và Cento Ventures).
Thời kỳ thăng hoa của các công ty công nghệ đã lùi lại phía sau, tâm lý fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) đã khiến các “kẻ săn mồi” đình đám đang lao đao khi cổ phiếu các công ty công nghệ sụt giảm liên tục. Giờ đây, các “cá mập” thận trọng hơn khi lựa chọn “con mồi”.
Ông Trung Hoàng, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital Ventures, cho biết mọi người đều mong đợi một năm 2023 ổn định hơn, nhưng các startup cần chuẩn bị cho tình huống khủng hoảng kéo dài. Trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay, product-market-fit (sản phẩm phù hợp với thị trường) là yếu tố tối quan trọng. Công nghệ chỉ là công cụ và các công ty cần ưu tiên giải quyết các vấn đề khách hàng đang gặp phải.
Vị “cá mập” cũng cho biết các công ty cũng không nên vội vàng gây quỹ lúc này mà nên đợi đến khi thị trường thuận lợi hơn. Số tiền cần gọi càng lớn thì việc gọi vốn càng khó khăn.
“Nếu công ty bắt buộc phải gọi vốn, hãy triển khai một cách chiến lược và lên kế hoạch thật cụ thể. Với cách tiếp cận phù hợp, các startup có thể tận dụng bối cảnh hiện tại để đổi mới chính mình và vươn lên trước các đối thủ”, ông Hoàng khuyến nghị.
Có cái nhìn lạc quan hơn về “mùa đông gọi vốn”, bà My Trần, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư Jungle Ventures, tin rằng mọi thứ trên thế giới đều tuân theo những nguyên tắt bất biến: Hết mùa đông sẽ tới mùa xuân, và không có mùa đông nào kéo dài mãi.
Nhà đầu tư này cho rằng có những việc cơ bản các công ty cần duy trì và tiếp tục làm tốt; có những việc họ cần thay đổi để thích nghi. Trong bất kỳ giai đoạn nào của nền kinh tế, các công ty cũng cần ưu tiên các yếu tố cốt lõi: sản phẩm, khách hàng, và đội ngũ.
Tuy nhiên, các startup cần đặc biệt thận trọng trong sử dụng vốn vào thời điểm nhiều bất ổn như hiện nay để có thể duy trì quỹ tiền mặt ít nhất 18 tháng. Khi "mùa đông" lắng xuống và thị trường ổn định hơn, các công ty sống sót sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn và có vị thế tốt hơn để thành công.
“Nếu một công ty buộc phải đóng cửa trong giai đoạn này thì đó không nhất thiết là thất bại. Nhà sáng lập có thể khép lại một hành trình chưa đúng và mở ra những cánh cửa cơ hội mới”, bà My nêu quan điểm.
Còn theo bà Trần Hoài Phương, Giám đốc đầu tư Quỹ Wavemaker Partners, các nhà lập nên kiên trì và lạc quan để tiếp tục hành trình của mình, tuy nhiên cũng cần phải thực tế và thận trọng. Thời kỳ khó khăn sẽ không kéo dài và startup có thể coi giai đoạn này như một thử thách để củng cố lại nền tảng của công ty (công nghệ/đội ngũ/ unit economics) và quản lý tài chính một cách nghiêm khắc.
Tại thời điểm này, startup nên thực hiện một số bước quan trọng sau đây: Một là xác định lại sứ mệnh của công ty. Hai là kiểm tra lại mô hình doanh thu và tìm cách tối đa hóa doanh thu. Ba là kiểm tra lại cấu trúc chi phí. Bốn là lên kế hoạch huy động vốn với sự linh hoạt và thận trọng hơn, sẵn sàng đưa ra mức định giá khiêm tốn hơn so với kỳ vọng của năm ngoái khi các nhà đầu tư còn tràn đầy lạc quan.
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 cũng ghi nhận việc các nhà đầu tư sẽ duy trì các khoản giải ngân vào startup Việt Nam nhờ niềm tin dài hạn vào thị trường, nhưng “khẩu vị” cũng dần khắt khe hơn.
Các nhà đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào các yếu tố kinh doanh cốt lõi, gọi vốn một cách chiến lược, và thích ứng kịp thời với những thay đổi trong thực tế. Họ chia sẻ góc nhìn chung rằng các công ty khởi nghiệp có thể tận dụng thách thức hiện tại như một cơ hội để đổi mới và cải tiến.
Do vậy, bản thân startup cũng cần học cách thích ứng với các “khẩu vị” đầu tư mới, các xu hướng mới của thị trường và những thay đổi mới từ phía khách hàng để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Trong những hoàn cảnh nhất định, thậm chí startup cũng phải thay đổi chính mô hình kinh doanh của mình để giải quyết tốt hơn bài toán của khách hàng cũng như đảm bảo dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp.