Quỹ ngoại: Đây là thời điểm không thể tốt hơn để lập công ty hoặc đầu tư vào startup tại Việt Nam
(DNTO) - Những khó khăn của kinh tế thế giới khiến môi trường đầu tư toàn cầu và Việt Nam trầm lắng. Dẫu vậy, các nhà đầu tư vẫn giữ góc nhìn lạc quan về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Khủng hoảng kinh tế, sự bất ổn của nền tài chính toàn cầu đã tác động không nhro đến tâm lý của các nhà đầu tư, khiến dòng vốn mạo hiểm vào Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 634 triệu USD, giảm 56%, với 134 thương vụ, giảm 19% so với cùng kì (Theo Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ 2023).
Nửa cuối năm 2022, dù giá trị đầu tư sụt giảm hơn so với nửa đầu năm do sự lan rộng của cuộc khủng hoảng công nghệ, nhưng số lượng thương vụ có quay trở lại. Điều này cũng cho thấy hoạt động đầu tư công nghệ của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ tốc đổ ổn định.
Ông Justin Nguyễn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Monk’s Hill, cho biết không thể phủ nhận rằng đây là giai đoạn khó khăn cho các công ty khởi nghiệp. Tình hình lạm phát tăng cao, xung đột ở Ukraine, cùng gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục bao phủ kinh tế thế giới và khiến nhà đầu tư lo ngại. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, lực lượng dân số trẻ tay nghề cao, và thị trường dịch vụ khổng lồ đã được công nghệ hóa.
Trên thực tế, nguồn vốn giai đoạn đầu đã tăng gấp 17 lần so với mức năm 2018 tính theo quy mô của các quỹ đầu tư. Đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi và vai trò ngày một quan trọng của các startup trong sự phát triển của toàn bộ khu vực Đông Nam Á.
“Có lẽ đây cũng là thời điểm không thể tốt hơn để thành lập công ty hoặc đầu tư vào các startup giai đoạn đầu tại Việt Nam”, ông Justin Nguyễn nhận định.
Đồng nhận định cho rằng kinh tế vĩ mô toàn cầu có thể tiếp tục gặp nhiều thách thức trong năm 2023, nhưng ông Genping Liu, Giám đốc điều hành Vertex Ventures, cũng cho biết vẫn duy trì quan điểm lạc quan và tầm nhìn dài hạn tích cực đối với lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm hơn 3 thập kỷ đầu tư và phát triển các công ty khởi nghiệp dẫn đầu Đông Nam Á, quỹ này nhận định rằng Việt Nam có tiềm năng dồi dào để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ. Thế mạnh của Việt Nam bao gồm nguồn nhân tài công nghệ tay nghề cao, những nhà sáng lập kiên định và có năng lực, cùng sự chú trọng vào giáo dục STEM.
Ngoài ra, việc tái cân bằng chuỗi cung ứng toàn cầu đang mang lại lợi ích cho nền kinh tế nội địa và nâng cao thế mạnh của lĩnh vực công nghệ, trong khi phong trào khởi nghiệp vẫn thể hiện sự bền bỉ qua những thăng trầm của thị trường.
“Chúng tôi rất hào hứng với việc tìm kiếm và làm việc với những nhà sáng lập đầy tham vọng và giúp họ vươn lên dẫn đầu trong khu vực và toàn cầu”, ông Genping Liu cho biết.
Bất chấp “mùa đông gọi vốn”, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ 2023 cũng nhận định, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo, tận dụng các thế mạnh của mình để nhanh chóng bắt kịp thế giới trong lĩnh vực công nghệ.
Thứ nhất, cơ sở hạ tầng số của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến của Việt Nam ngày một hoàn thiện và đang mở rộng nhanh chóng, mang lại nhiều lựa chọn thanh toán không tiền mặt dành cho người tiêu dùng, bao gồm thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng, và ví điện tử.
Thứ hai, Việt Nam có dân số trẻ với tỷ lệ người dùng am hiểu công nghệ cao, sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm công nghệ mới. Xu hướng này được thúc đẩy nhờ vào chương trình giáo dục chú trọng các môn học STEM, từ đó tạo ra nguồn lực nhân tài công nghệ dồi dào, dần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ mới trong khu vực.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự nổi lên của các công ty lớn trong lĩnh vực Thương mại điện tử và Fintech. Nền kinh tế số Việt Nam dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 31% trong giai đoạn 2022 - 2025, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company.
Tuy vậy, các nhà đầu tư cũng cho rằng Việt Nam hiện đang thiếu một cơ chế chính sách và ưu đãi đủ mạnh để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo bền vững. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài, cũng như tuân thủ các quy định phức tạp. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và bổ sung các chính sách hỗ trợ để hệ sinh thái phát huy hết tiềm năng.