Startup tìm ‘phao cứu sinh’ ở thị trường nợ
(DNTO) - Để duy trì hoạt động và tránh bị sụt giảm định giá, nhiều startup tìm đường vay nợ, trong bối cảnh huy động vốn tiếp tục khó khăn.
Vốn mạo hiểm chưa thể qua “mùa đông”
Năm ngoái, thị trường khởi nghiệp Việt Nam chỉ diễn ra 85 thương vụ huy động vốn với tổng số tiền 855 triệu USD, giảm ½ về số thương vụ và giá trị giao dịch so với năm 2021 (theo quỹ đầu tư Nextrans).
Trong năm qua, các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại Thung lũng Silicon (Mỹ) đã sắp xếp lại danh mục đầu tư của họ và đưa ra cảnh báo với các startup rằng “cánh cửa” vốn của họ có thể khép lại trong một năm tới. Tại Đông Nam Á, các công ty đầu tư mạo hiểm có thể sẽ kén chọn, theo nhận định của các chuyên gia trên CNBC. Những động thái này đồng nghĩa với việc startup tiếp tục đối mặt với “mùa đông” gọi vốn và phải nỗ lực để tồn tại thay vì tăng trưởng như thời gian trước.
Ông Nguyễn Ảnh Cường, CEO nền tảng mua trước trả sau Fundiin, startup đã gọi được 5 triệu USD vòng series A trong năm qua, cho biết rất nhiều startup hiện nay cũng đang gặp vấn đề trong việc thay đổi thứ tự ưu tiên. Trước đây họ tập trung cho tăng trưởng, còn hiện tại là phải có lợi nhuận, nên một số startup không thể thay đổi nhanh định hướng này thì sẽ rất khó khăn trong gọi vốn.
“Trước đây, các nhà đầu tư rót vốn vào các startup có khả năng tăng trưởng cao và đôi khi họ sẽ không quan tâm đến lỗ mà chỉ quan tâm đến tốc độ người dùng có thể đạt được là bao nhiêu. Nhưng hiện nay, các nhà đầu tư mong muốn một startup có lộ trình để đạt được lợi nhuận trong thời gian ngắn sắp tới, trong 1-2 năm thì họ mới rót vốn. Sự thay đổi này dẫn đến việc định giá của startup thay đổi chóng mặt”, CEO Fundiin chia sẻ.
Khi dòng vốn đầu tư mạo hiểm co lại, startup buộc phải tìm cửa khác để “tiếp máu”. Các công ty khởi nghiệp ngày càng chọn cách bảo đảm tài chính từ các ngân hàng và tổ chức tín dụng tư nhân để ngăn chặn việc giảm định giá.
Năm 2022 đã chứng kiến nhiều khoản vay nổi bật từ các startup, như ứng dụng gọi xe Be Group vay 60 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank; khoản vay có đảm bảo lên tới 50 triệu USD từ CLSA Capital Partners cho công ty dịch vụ tài chính F88; khoản tài trợ 10 triệu USD từ Lendable và khoản vay 135 triệu USD của VinFast từ Ngân hàng Phát triển Châu Á; ứng dụng giao hàng Loship cũng đang chuyển hướng tìm kiếm các nguồn vay thay vì đi tới vòng gọi vốn series C.
Đừng để ‘chết non’ vì không biết tiêu tiền
Nhưng, tìm đến khoản vốn vay từ tổ chức tài chính chỉ là giải pháp trước mắt để startup tồn tại và vượt qua mùa đông gọi vốn. Vì “đòn chí mạng” đánh gục startup vẫn là mô hình kinh doanh chưa phù hợp và khả năng quản trị.
Bài học nhãn tiền từ việc startup công nghệ bất động sản Prozy phải đóng cửa dù huy động được 37 triệu USD, hay cú “ngã ngựa” của ứng dụng kết nối phòng tập WeFit là bài học cảnh tỉnh cho giới khởi nghiệp về việc quản lý chi tiêu, khi bước vào giai đoạn khó khăn tiếp theo của nền kinh tế thế giới.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Đồng sáng lập, Giám đốc vận hành nền tảng phát triển nhà bán hàng online Newee.asia, cho biết bài toán tài chính đối với các startup non trẻ luôn là “cơn ác mộng” khi đội ngũ sáng lập ngồi bàn bạc với nhau trước và sau khi gọi vốn. Vì với startup, quỹ tài chính có giới hạn nhưng sẽ luôn phải cân đối đầu tư, duy trì và tạo ra lợi nhuận, giá trị để khi nhà đầu tư nhìn vào sẽ thấy đây là startup có doanh thu, có tiềm năng phát triển để tạo lợi nhuận trong tương lai.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch và Đồng sáng lập Ví điện tử MoMo, startup kỳ lân thứ ba của Việt Nam, cho biết tất cả các công ty startup đều cần vốn, nhưng muốn gọi được vốn thì tất cả hệ thống ghi chép thu chi của doanh nghiệp phải rất chi tiết, tỉ mỉ.
Bởi khi nhà đầu tư đến, việc đầu tiên họ yêu cầu startup phải nộp tất cả báo cáo tài chính. Startup đừng nghĩ có thể che dấu dữ liệu vì họ có hệ thống kiểm tra dữ liệu có đúng hay không. Vì vậy, nếu không minh bạch và xử lý dữ liệu từ đầu, khi cần gọi vốn rất khó.
Ngoài ra, ông Diệp cho rằng đa phần startup “chết” vì tiêu tiền quá tay, không biết quản lý tài chính, chi chỗ nào và tiết kiệm chỗ nào.
“Trước đây, chúng tôi vẫn làm theo kiểu anh em làm với nhau. May mắn đến năm 2018, chúng tôi tuyển được một CFO (Giám đốc tài chính) người Mỹ gốc Ấn đã có kinh nghiệm khởi nghiệp rất lâu, chị đã giúp công ty có một cái nhìn mới về quản lý tài chính, nên đầu tư vào đâu, phân bổ tài chính như thế nào, đây là những vấn đề ngàn vàng ngay cả với những công ty đã phát triển lớn như chúng tôi”, ông Diệp nói.
Khi dòng tiền mặt không còn dồi dào, các chuyên gia của S&P Global cũng khuyến cáo các công ty kì lân nên ngừng chi tiêu nếu tình hình kinh doanh không khả quan và nên cân chắc giữa việc mở rộng quy mô hay cải thiện dòng tiền.