Tác động 'khủng khiếp’ từ việc SVB sụp đổ đến nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp
(DNTO) - SVB từng là ngân hàng đi tiên phong, cũng như đứng đầu, thị trường vay nợ vốn mạo hiểm. Nay sự sụp đổ của ngân hàng này tạo ra một lỗ hổng đáng ngại cho nguồn vốn của các công ty khởi nghiệp.
Vào cuối 2020, Phó Giám đốc Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Armando Argueta, từng cảnh báo những công ty khởi nghiệp (start-up) đang tìm kiếm vay vốn từ các nguồn không ổn định: “Hãy chắc chắn là bạn đang làm việc với một đối tác có thâm niên vững chắc. Bởi khi một ngân hàng bỗng dưng ngưng hỗ trợ vay nợ, nó có thể gây tổn hại dữ dội đến doanh nghiệp của bạn”.
“Trùm” cho vay vốn đầu tư
Kể từ khi SVB sụp đổ vào hồi đầu tháng này, lời khuyên đó trở nên đúng hơn bao giờ hết.
Ngân hàng SVB không những là tiên phong cho thị trường vay vốn mạo hiểm, mà còn là một trong những tên tuổi lớn nhất.
SVB cung cấp một giải pháp vốn khác biệt so với các quỹ vốn đầu tư mạo hiểm, vốn đòi hỏi các công ty khởi nghiệp phải “hy sinh” cổ phần hoặc chấp nhận mức định giá thấp hơn.
Ở khắp nước Mỹ, SVB đã đảm nhận khoảng 1/10 các khoản vay vốn khởi nghiệp chỉ trong mấy tháng đầu 2023. Riêng tại “sân nhà” California, ngân hàng này đứng đằng sau hơn 60% các thương vụ vay vốn - theo dữ liệu của Prequin.
Các nhà sáng lập công ty khởi nghiệp cũng như giới đầu tư hiện đang rất lo lắng.
Cuộc sụp đổ của Ngân hàng SVB-ngân hàng vốn được ưa chuộng nhất trong ngành công nghệ, có thể sẽ tạo ra một ảnh hưởng lan rộng, góp phần hạ thấp mức định giá, thậm chí đẩy nhiều công ty xuống bờ vực phá sản. Nhất là khi môi trường vốn đầu tư mạo hiểm đang rất khó khăn.
Trả lời phỏng vấn tờ Financial Times, Alessandro Chesser, Giám đốc điều hành của Dynasty, cảnh báo: “Sự kiện này đã tạo ra một tác động khủng khiếp đến với môi trường vốn… Nhiều công ty lớn vốn dựa dẫm vào vay vốn mạo hiểm đang gặp rất nhiều rắc rối. Nếu không có giải pháp nhanh chóng, ta sẽ có thể thấy nhiều tên tuổi giá trị phải đóng cửa”.
Thông thường, các công ty start-up chỉ có thể vay vốn sau khi họ đã qua 2, 3 lần huy động vốn, với đảm bảo từ các quỹ vốn mạo hiểm. Nhưng trong thời gian qua, những hãng công nghệ tư nhân ngày càng dựa dẫm vào vay vốn mạo hiểm hơn trước, do ảnh hưởng của lãi suất cho vay tăng cao.
Một bản báo cáo hồi tuần trước của GP Bullhound cho thấy, nợ từ vay vốn của các công ty công nghệ tại châu Âu đã trương phình gấp đôi so với 2021, đạt 30,5 tỉ Euro.
Vốn từ vay nợ ngân hàng chiếm đến 30% của toàn bộ vốn đầu tư mạo hiểm trong ngành công nghệ tại châu Âu trong 2022, theo dữ liệu của Dealroom, tăng gần như gấp đôi so với 16% của 6 năm trước đó.
Các công ty công nghệ sạch và tài chính vay nợ nhiều nhất.
"Khát" vốn từ vay nợ
Olya Klueppel, người đứng đầu bộ phận tín dụng tại GP Bullhound, cho biết mức tăng phản ánh sự rút lui của các nhà đầu tư cổ phiếu ra khỏi ngành công nghệ, cũng như mức quan tâm tăng cao từ các bên tìm cách thâu tóm những hãng công nghệ vốn đang giảm giá trị.
“Các điều khoản đã thay đổi đáng kể theo hướng có lợi cho người cho vay,” bà nói.
Tại Mỹ, thị trường vay nợ cho đầu tư mạo hiểm đã từng là một “cứu tinh” khi lượng vốn đầu tư mạo hiểm co rút.
Tổng mức vay nợ đạt 32 tỉ đô la, tương tự với 2021, mặc cho lượng vốn đầu tư mạo hiểm đi xuống dữ dội từ mức 345 tỉ đô la xuống còn 238 tỉ đô la vào hồi 2021 - theo dữ liệu của PitchBook.
Vốn vay từ ngân hàng cũng đã cho phép các hãng start-up tìm kiếm thêm tiền dự trữ phòng thủ.
“Chúng tôi tìm đến nguồn vốn vay ngân hàng như một giải pháp phụ trội, vì môi trường đầu tư hiện đang rất bất ổn. Càng có nhiều giải pháp an toàn càng tốt”, theo Egan, nhà sáng lập công ty sức khỏe điện tử Veracity Selfcare.
Nhưng ngay tại lúc này, với số phận của SVB vẫn lơ lửng trong tay chính quyền, giới doanh nghiệp đang vô cùng lo âu. Nguồn vốn từ vay nợ, dù là ở các ngân hàng khác, có thể sẽ cạn kiệt.
“Chắc chắn sẽ không còn cùng mức độ vay vốn đầu tư mạo hiểm như trước. Ta có thể đến các ngân hàng khác như Mercury, nhưng điều khoản đang trở nên tồi tệ hơn và cũng không chắc là sẽ an toàn hơn” - Egan nói. “Môi trường đã thay đổi rất nhiều, sẽ rất khó để các start-up mạo hiểm đột phá”.
SVB từng trở thành một lựa chọn được ưa chuộng của các start-up vì họ có một mối quan hệ gần gũi với các quỹ vốn đầu tư mạo hiểm và có chi phí “vô cùng cạnh tranh”, Klueppel thuộc GP Bullhound nói.
Ngoài ra, SVB cũng có nhiều dịch vụ tương tự như ngân hàng, cho phép rút tiền trong một thời gian dài. Hiện các công ty đang lo lắng tìm kiếm đến các giải pháp thay thế.
Nỗi lo đó cũng diễn ra tại Anh Quốc, nơi chi nhánh SVB Anh Quốc vừa được mua lại bởi HSBC, trong khi SVB Mỹ sẽ được mua lại bởi First Citizens.
Tương lai vẫn chưa rõ?
Vẫn chưa rõ liệu ai sẽ tiếp quản “sổ ghi nợ” của SVB, vốn có giá trị 6,7 tỉ đô la. Bản báo cáo hàng năm của SVB cho biết nguồn thu từ các start-up chỉ ở mức “khiêm tốn hoặc âm”. Ngân hàng này thường cho vay với mong đợi các khoản vay sẽ được gửi trả sau khi start-up lên sàn chứng khoáng.
Nhưng những hứa hẹn như thế không rõ ràng trong tình trạng thị trường ngày nay.
Chưa có đơn vị nào mua lại các khoảngl nợ này, mặc dù Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (Federal Deposit Insurance Corporation) nới kỳ hạn đấu giá và mở rộng danh sách tham gia.
Dù có người mua đi chăng nữa, các khách hàng cũ của SVB tại Mỹ và châu Âu không mong đợi mọi chuyện sẽ như trước.
Maëlle Gavet, Giám đốc điều hành Techstars, một trong những công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới, cho biết: “Thiếu vắng những nguồn vay ngân hàng như SVB, các hãng start-up sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các hãng đầu tư mạo hiểm”.
Trong một thị trường định giá cho các start-up đang giảm mạnh, và nguồn vốn cạn kiệt, vị trí của các hãng đầu tư mạo hiểm sẽ trở nên mạnh hơn trước, Maëlle Gavet cảnh báo.