Bài học từ SVB: 'Cẩn trọng với hệ sinh thái của ngân hàng'
(DNTO) - Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank – SVB) đã để lại bài học lớn nhất với các ngân hàng Việt Nam. Theo đó, việc kiểm tra sức khoẻ với hệ thống ngân hàng trong nước cần được xem là việc làm thường xuyên, định kỳ.
Thông tin ngân hàng SVB sụp đổ đã khiến thị trường tài chính thế giới rúng động. Với một ngân hàng từng tăng lượng tài sản nhanh chóng từ khoảng 60 tỷ đô la của năm 2020 lên gần 200 tỷ đô la vào đầu năm 2022 thì đây là một điều nằm ngoài dự đoán của nhiều người.
"SVB thực ra chỉ là bức bình phong, đằng sau nó là một tập đoàn tài chính với nhiều mảng hoạt động như đầu tư mạo hiểm, ngân hàng đầu tư, các công ty đầu tư tư nhân, công ty đầu tư về môi trường, biến đổi khí hậu..., các doanh nghiệp khởi nghiệp có tính chất đột phá về công nghệ, fintech...", TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết tại Talk show "Đằng sau Silicon Valley Bank phá sản và góc nhìn cho Việt Nam".
SVB như một công cụ để huy động vốn của người dân, và sau đó tập trung lượng vốn huy động được để đầu tư dưới hình thức này hay hình thức khác vào hệ sinh thái tập đoàn. Họ hướng đến phục vụ cho mục đích của tập đoàn nhiều hơn mục đích hoạt động kinh doanh của mô hình ngân hàng.
Và cũng theo quan điểm của ông: "Mô hình này khá nhiều ở Việt Nam".
"Khi nói đến hệ thống ngân hàng Việt Nam, người ta đều biết có 'ông chủ' đứng sau các ngân hàng và đều có những hệ sinh thái", ông Lê Đạt Chí cho biết thêm.
Việt Nam trong giai đoạn năm 2008 đã thành lập ban tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với nhiều văn bản về cấu trúc sở hữu, quy định sở hữu chéo, quy định sở hữu của tổ chức và cá nhân trong một ngân hàng... , đồng thời các điều kiện vay vốn được tăng lên. "Tuy nhiên họ vẫn có thể 'lách' luật trong vấn đề cho vay và vấn đề đầu tư" do các mối quan hệ trong hệ sinh thái rất phức tạp, hệ thống công ty chằng chịt và về mặt pháp lý có lẽ khó lần ra.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg, thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban. Đây là tín hiệu mừng, giúp ngành ngân hàng giữ được vai trò huyết mạch cả hệ thống tài chính trong việc cung cấp vốn, duy trì mục tiêu, giảm được các cú sốc từ kinh tế thế giới.
Qua sự kiện này, theo ông Chí, mà việc kiểm tra sức khỏe đối với hệ thống ngân hàng cần phải được triển khai thường xuyên định kỳ.
SVB duy trì danh mục đầu tư đầy rủi ro cao. Trong khi đó, lãi suất tăng cao thời gian qua đã kéo theo mức chi phí bật căng, áp lực hoàn trả khoản vay càng lớn. Trước đó, Moody's đã thông báo hạ tín nhiệm của ngân hàng do nhận thấy tiềm ẩn khoản lỗ lớn nằm ngoài bảng cân đối kế toán của hệ sinh thái này. Dù SVB đã cố gắng bổ sung tài sản tuy nhiên vẫn không đủ sức nặng thay đổi quyết định của Moody's. Không chỉ Moody's, FED cũng đã liên tục cảnh báo SVB.
Làn sóng rút tiền ập đến với SVB khi manh nha xuất hiện vấn đề, khiến ngân hàng phải bán trái phiếu kho bạc và chứng khoán đảm bảo thế chấp để có tiền mặt trả người gửi, và điều này được ghi nhận lỗ trên danh mục đầu tư chứng khoán.
Do đó, vấn đề lớn đặt ra từ mô hình hoạt động của SVB chính là hệ sinh thái đằng sau mỗi ngân hàng, nơi mà gần như hấp thụ phần lớn nguồn vốn huy động. Cứu SVB chính là cứu hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong khi đó, Kinh tế trưởng VinaCapital, ông Michael Kokalari đánh giá, nguy cơ sụp đổ của một ngân hàng như SVB ở Việt Nam là rất thấp. Sự việc tác động lên SVB không có khả năng xảy ra và các khoản lỗ tiềm ẩn để tác động đáng kể đến khả năng thanh toán. Các khoản lỗ tiềm ẩn trong danh mục đầu tư các ngân hàng Việt Nam cũng không đủ lớn và Chính phủ luôn đảm bảo tiền gửi được bảo vệ như trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng trước đây.