NHNN giảm lãi suất điều hành: ‘Có thể gây thêm áp lực cho lạm phát’
(DNTO) - Theo TS. Nguyễn Xuân Hải, trong bối cảnh lạm phát các nước chưa được kiểm soát, khả năng ngân hàng trung ương các nước tiếp tục đà tăng lãi suất thì động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể lại là nguyên nhân gây thêm áp lực cho chỉ số giá tiêu dùng trong nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ngày 14/3, đã có thông báo về việc điều chỉnh lãi suất điều hành, hiệu lực bắt đầu từ hôm nay, 15/3.
Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống còn 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Cùng đó, với các ngành kinh tế thuộc lĩnh vực ưu tiên, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của nhà băng cũng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Những thông tin trên từ phía NHNN phần nào được kỳ vọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện tại, hướng tới mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo góc nhìn của nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh này vẫn còn khá khiêm tốn so với yêu cầu thực tại.
Chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã qua?
Phát biểu trong Chương trình Bí mật đồng tiền, ngày 15/3, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Chứng khoán SSI, nhận định, nếu chỉ nhìn đơn thuần về mặt tin tức thì động thái trên của NHNN là tốt cho thị trường tài chính bởi khi lãi suất giảm hoạt động đầu tư sẽ tốt hơn.
“Tuy nhiên, nhìn kỹ hơn thì các mục lãi suất chủ đạo vẫn giữ nguyên như cũ, như lãi suất tái cấp vốn, trần lãi suất tiền gửi… vẫn không thay đổi. Trong khi đó, các mục lãi suất thay đổi trên lại không quá quan trọng ở thị trường tài chính”, ông Hưng cho biết.
Tuy nhiên điểm tích cực, theo ông Hưng, là thông điệp về chu kỳ thắt chặt tiền tệ đã qua, khả năng tăng lãi suất có thể không có nữa.
“Sắp tới nếu tình hình xấu hơn, như hai tháng qua nhiều chỉ tiêu kinh tế đang yếu, thì khả năng sẽ có đợt cắt giảm mạnh hơn lần này”, ông Hưng nhận định.
Áp lực cho lạm phát?
Ở một góc nhìn mới, trao đổi với Doanh Nhân Trẻ , TS. Nguyễn Xuân Hải (ĐH Johns Hopkins), hiện đang công tác tại MOLISA và là cố vấn cao cấp cho Hathaway Policy, cho biết, trong bối cảnh hiện nay, khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm nhiều, thị trường bất động sản đóng băng và thị trường tài chính chịu áp lực giảm, thì việc hạ lãi suất điều hành là tín hiệu kích cầu, kỳ vọng tạo động lực để các doanh tiếp tục vay vốn đầu tư. Theo đó, các lĩnh vực bất động sản được kích thích, đồng thời nới dòng tiền cho thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Hải đặt vấn đề, hiện tại bối cảnh lạm phát ở các nước vẫn chưa được kiểm soát, ngân hàng trung ương các nước nhiều khả năng tiếp tục tăng lãi suất, việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành có thể gây áp lực lên chỉ số tiêu dùng trong nước, tỷ giá có nguy cơ tăng trở lại, đặc biệt khi Fed có khả năng tăng lãi suất trong tuần tới.
Do đó, ông Hải cho biết: “Việc hạ lãi suất điều hành có thể chỉ là tạm thời, chưa kịp kích thích nền kinh tế thì đã có khả năng đảo chiều tăng trở lại”.
Theo NHNN, cơ quan này cũng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế khi điều kiện thị trường thuận lợi.