PGS.TS Phạm Thế Anh: Lạm phát trong năm 2023 không phải vấn đề lớn
(DNTO) - Theo chuyên gia, trong năm qua, tăng trưởng tiền tệ rất thấp, 3,9%, nên yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát sẽ giảm rất nhiều trong năm 2023.
Lạm phát năm 2023 ở mức 3-3,5%
Trong Toạ đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023", chiều 15/2, PGS.TS Phạm Thế Anh, chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nếu so sánh tỉ lệ lạm phát của Việt Nam (3,15% trong năm 2022) với các nước lớn trên thế giới, chúng ta đang ở vùng lạm phát thấp, có thể chấp nhận được.
Trong khi đó, các nước Mỹ và châu Âu đang khá căng thẳng về lạm phát, có những thời điểm lên tới 2 con số. Tuy nhiên, vấn đề lạm phát năm nay khác với năm ngoái, khi lạm phát ở các nước phát triển đã qua đỉnh và chuyển dịch sang các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam, năm ngoái, lạm phát tăng dần theo từng quý và sang đến tháng 1/2023, lạm phát đạt đỉnh 4,89% yoy (year over year - tăng trưởng qua từng năm). Điều này làm dấy lên quan ngại về lạm phát tiếp tục gia tăng hay không trong năm nay và kéo theo đó là chính sách tiền tệ phải rất thận trọng trong kiểm soát lạm phát.
Theo nhận định của ông Thế Anh, nếu tính theo năm yoy, tháng 1/2023 sẽ chứng kiến lạm phát đỉnh, từ tháng 2 trở đi sẽ chứng kiến xu hướng lạm phát giảm dần, sau đó chững lại quanh mức 3-3,5%.
Vị này phân tích, hiện sức cầu Việt Nam đang yếu đi do thu nhập người dân sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại, các thị trường tài sản Việt Nam (bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu) có sự sụt giảm mạnh. Với mặt bằng lãi suất ở mức cao như hiện nay, chi phí tiêu dùng đắt đỏ hơn và người dân có xu hướng tiết kiệm hơn. Trong năm qua, việc tăng trưởng tiền tệ rất thấp (3,9%), trong khi đó các năm trước tăng trưởng cung tiền rất cao, gần 15% (2019-2020) và gần 11% (2021).
“Yếu tố tiền tệ gây ra lạm phát sẽ giảm rất nhiều trong năm 2023. Lạm phát trong năm 2023 không phải vấn đề lớn, nguy cơ suy thoái nhiều hơn”, ông Thế Anh nói.
Lãi suất sẽ có xu hướng giảm
Ông Thế Anh cho biết, lạm phát kéo theo lãi suất và tỷ giá. Lãi suất của Việt Nam căn cứ vào 2 yếu tố là lạm phát và lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương Mỹ. Với lạm phát, như đã phân tích ở trên, không còn đáng lo ngại.
Còn về phía Mỹ đã qua đỉnh lạm phát, giờ chỉ là vấn đề giảm nhanh hay giảm chậm. Mức lãi suất điều hành chính sách của Mỹ hiện đã lên tới 4,75%, tương đối cao nên đến khoảng giữa năm nay, tháng 5, lạm phát yoy của Mỹ khoảng 3,5%. Do vậy, khả năng tăng tiếp lãi suất của Mỹ rất thấp. Trong kịch bản xấu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất lần nữa vào tháng 3 năm nay và mức tăng chỉ khoảng 0,25%.
“Do vậy các sức ép làm cho lãi suất của Việt Nam tăng tiếp còn rất thấp, hệ quả là lãi suất ở Việt Nam sẽ có xu hướng đi xuống vì đang ở mức đỉnh, còn việc giảm nhanh hay chậm và giảm bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành chính sách. Nếu thận trọng, họ có thể quan sát tình hình lạm phát Việt Nam ở thời điểm rõ ràng hơn, vào tháng 2-3 năm nay hoặc đợi tín hiệu rõ ràng hơn từ FED vào tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, nếu lạc quan hơn có thể làm việc đó sớm hơn”, ông Thế Anh nhận định.
Đối với vấn đề tỷ giá, chênh lệch lãi suất tỉ giá giữa Việt Nam và Mỹ tương đối lớn. Nếu so với lãi suất các nước khác, lãi suất của Việt Nam cao hơn rất nhiều, trong khi đó đồng Việt Nam lại mất giá từ đầu năm 2022 đến nay. Theo ông Thế Anh, với mức lãi suất như vậy, đồng Việt Nam đang khá hấp dẫn nên khả năng mất giá rất ít.
Ngoài ra, cán cân thương mại Việt Nam năm nay dự báo vẫn có thể duy trì thặng dư bởi Việt Nam bản chất xuất khẩu nhiều và nhập khẩu nhiều. Khi nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, tiêu dùng hàng ngoại nhập giảm rất nhanh. Những năm Việt Nam gặp khó về kinh tế, duy trì thặng dư thương mại dễ hơn cả những năm tăng trưởng cao. Do vậy thâm hụt thương mại không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá.
Bên cạnh đó, lãi suất thực của Việt Nam hiện nay vẫn cao hơn nhiều nước trên thế giới. Theo ông Thế Anh, đây là những điểm thuận lợi cho việc Việt Nam có thể hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ kinh tế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết suy giảm tăng trưởng của Mỹ và EU là vấn đề đáng lo ngại khiến xuất khẩu Việt Nam vào 2 thị trường này sụt giảm. Bởi đây là 2 thị trường chiếm tới 40% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (hơn 156 tỷ USD năm 2022). Các ngành hàng ảnh hưởng nhiều sẽ bao gồm tiêu dùng không thiết yếu, đồ dùng gia đình và nguyên vật liệu xây dựng.
“Tất nhiên các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu hướng ra thị trường xuất khẩu. Khi xuất khẩu gặp khó thì dòng vốn FDI vào nước khác vào Việt Nam có thể giảm tạm thời nhưng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nhưng về dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút đầu tư từ các FTA đã kí kết, lao động giá rẻ, dịch chuyển dòng vốn và đa dạng hóa thị trường đầu tư của các nước lớn”, PSG.TS Thế Anh nhận định.
Với Trung Quốc, sự mở cửa của thị trường này ảnh hưởng rất lớn đến dòng đầu tư vào Việt Nam. Quay lại dữ liệu năm 2019, khi xảy ra căng thẳng quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, dòng vốn Trung Quốc chuyển dịch vào Việt Nam rất lớn (hơn 3,8 tỷ USD), nhưng trong 3 năm đại dịch, khi Trung Quốc đóng cửa, dòng vốn FDI sụt giảm, chỉ còn từ 2,5-3 tỷ USD.
“Hoạt động thương mại không bị ảnh hưởng nhiều vì sự mở cửa của Trung Quốc và tăng trưởng chậm ở Mỹ, EU sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc có thể gia tăng ở những ngành hàng tiêu dùng thiết yếu và nguyên liệu cơ bản”, ông Thế Anh phân tích.