Chủ tịch EuroCham: Việt Nam phải có bước đi táo bạo hướng tới những cải cách mang tính đột phá
(DNTO) - Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit, Việt Nam đã được công nhận là ngôi sao đang lên trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư. Nhưng với tình hình kinh tế hiện nay, Việt Nam cần có bước đi táo bạo, quyết đoán hướng tới cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, sáng 22/4, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit, đề xuất một số hành động có thể mở đường cho sự tăng trưởng bền vững và ổn định của Việt Nam.
Cụ thể, Chủ tịch EuroCham cho rằng, các mục tiêu đầy tham vọng của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh đã được ghi nhận rõ ràng, và Việt Nam đã phát triển một chiến lược quốc gia toàn diện để đạt được các mục tiêu này. Tuy nhiên, việc thực hiện chiến lược này chưa đáp ứng được kỳ vọng. Năng lượng sạch và tái tạo là chất xúc tác cho đầu tư và tăng trưởng trên toàn nền kinh tế, đồng thời các doanh nghiệp châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn năng lượng này.
Trong thời gian qua, việc chưa đáp ứng được nhu cầu này đã khiến một số dự án đầu tư phải tạm ngưng mở rộng. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong tương lai, chúng ta cần đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII.
Theo Chủ tịch EuroCham, Việt Nam cũng nên có các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) nên được phép tham gia hơp đồng mua bán điện trực tiếp. Đồng thời đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy có nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng các yêu cầu tuân thủ từ EU.
Quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang nền kinh tế tuần hoàn cũng có vai trò then chốt không kém để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên.
"Chúng tôi hoan nghênh lộ trình đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện quy định mở rộng về trách nhiệm của nhà sản xuất. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo nên áp dụng định mức chi phí tái chế do doanh nghiệp góp cần được trừ đi phần giá trị thu hồi được sau tái chế đối với doanh nghiệp sử dụng vật liệu có giá trị tái chế cao", ông Gabor Fluit nói .
Các doanh nghiệp cũng nên được phép nộp các khoản đóng góp tái chế của họ cho năm 2024 vào đầu năm 2025, dựa trên thực tế sản xuất và nhập khẩu. Việt Nam nên tăng cường xử phạt đối với việc vi phạm các quy định về chất thải, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế như nhựa có thể phân hủy sinh học như một biện pháp giảm thiểu chất thải chính.
Chủ tịch EuroCham cho rằng, với ý nghĩa quan trọng của việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực, Việt Nam cũng nên tiếp tục tập trung trở thành điểm thu hút nhân tài chất lượng cao và đội ngũ quản lý có kinh nghiệm. Cần hành động quyết liệt để thu hút và giữ chân nhân tài cũng giống như gieo mầm thịnh vượng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải giải quyết nút thắt về giấy phép lao động cho lao động nước ngoài.
Đối với lĩnh vực du lịch, Chủ tịch EuroCham khuyến nghị mở rộng miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, mở cửa cho khách du lịch chi tiêu cao và tạo điều kiện xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.
Về thuế và phí, Chủ tịch EuroCham đề xuất Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc hài hòa hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA.
"Chúng tôi khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng thuế TTĐB đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Chúng tôi cũng kiến nghị miễn hoặc giảm thuế TTĐB cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện", đại diện EuroCham nói.
Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, ông Gabor Fluit nêu rõ, muốn thúc đẩy chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư, đặc biệt trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và doanh nghiệp. Điều này nên bao gồm việc số hóa các dịch vụ và sử dụng các công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
"Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cam kết sẵn sàng sát cánh với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một quốc gia thịnh vượng và kiên cường, hướng tới phát triển bền vững và nền kinh tế xanh". Chủ tịch EuroCham bày tỏ.
Chủ tịch KoCham: Nhà đầu tư sẽ thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam nếu thủ tục hành chính đơn giản, hiệu quả hơn
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), cho biết: Quý I/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) chỉ tăng ở mức 3,32%, có phần không như kỳ vọng và đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh. Đặc biệt, tỉ trọng đầu tư trong lĩnh vực sản xuất - lĩnh vực mà các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất cũng đã giảm mạnh, cho thấy các doanh nghiệp đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô đầu tư nước ngoài quý I đạt 5,44 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ tương đương 50% tổng mức đầu tư cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 năm 2019. Tuy nhiên, về số lượng dự án đã tăng 13,5% đạt 1.459 dự án cho thấy đa phần các dự án đầu tư mới đều là các dự án có quy mô nhỏ.
Đáng tiếc, tổng quy mô đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam quý I chỉ đạt 474 triệu USD, tương đương 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án cũng giảm 9,1% so với cùng kỳ xuống còn 344, đưa Hàn Quốc, nhà đầu tư số một tại Việt Nam, xuống vị trí thứ tư, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch KoCham, từ sau khi kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đang đa dạng hóa cơ cấu đầu tư từ sản xuất chế tạo sang công nghiệp dịch vụ, gần đây đã tăng tỷ trọng đầu tư vào các ngành công nghệ cao, vốn trước đây chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động nên chúng ta có thể kỳ vọng vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh và các cơ hội đầu tư mới sẽ tiếp tục tăng lên.
Hiện nay, có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và thương mại giữa hai nước năm ngoái đã tăng 175 lần trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 và kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử là 87,7 tỷ USD. Trong bối cảnh các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam sử dụng khoảng 700.000 lao động và đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi biết rằng Chính phủ Việt Nam cũng rất lo ngại về việc các công ty Hàn Quốc sẽ cắt giảm đầu tư.
Chủ tịch KoCham cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang cân nhắc việc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới nếu như môi trường đầu tư tiếp tục ổn định. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và các công ty tài chính, năng lượng. Để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp công nghệ cao vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng doanh nhân nước ngoài cần cảm thấy sự cải thiện về thủ tục hành chính đơn giản hơn, hiệu quả hơn, ưu đãi của Chính phủ rộng hơn… thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như: Công ty Điện tử Samsung – doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam – cũng đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm nghiên cứu R&D quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái. Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek hiện đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.
Chủ tịch KoCham bày tỏ: "Nếu Chính phủ quan tâm và nỗ lực tháo gỡ những khó khăn của các doanh nghiệp FDI để các doanh nghiệp này có thể mở rộng kinh doanh ổn định tại Việt Nam, thì doanh nghiệp sẽ có thể gạt bỏ những lo lắng và tin tưởng đầu tư nhiều hơn nữa".
Chủ tịch AmCham: Mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch
Ông Greg Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư vào điện gió, điện mặt trời ngoài khơi cũng như hệ thống pin lưu trữ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành viên của AmCham mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch. Điều này sẽ nhanh chóng có tác động tích cực vào tính cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam. "Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi việc này", Chủ tịch AmCham nói.
Amcham mong muốn Chính phủ Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển hệ thống pin dự trữ điện trong Quy hoạch điện VIII, việc thông qua việc mua bán điện trực tiếp và có kế hoạch cho phép các công ty có cam kết cao trong việc giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch tham gia vào quá trình này.
Chủ tịch AmCham cho biết, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ luôn mong muốn đóng góp lợi ích về tài chính cũng như kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp cho Việt Nam, vì vậy AmCham mong việc tạo điều kiện cho việc nhập cảnh được thông suốt, trong đó có tạo điều kiện cho nhập cảnh của khách du lịch sẽ tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.
AmCham cũng mong muốn Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu các tác động của đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng loại thuế này không có tác dụng lắm trong việc giảm thiểu tỉ lệ béo phì, tiểu đường trong khi đó áp dụng loại thuế này sẽ gây ảnh hưởng đến ngành nước giải khát Việt Nam vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, cũng như sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành khác như mía, bán lẻ, đóng gói và logistics…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/4/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 8,88 tỉ USD. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 5,85 tỉ USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2022.
Đây là những kết quả đạt được trong bối cảnh tình kinh tế thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu giảm sút, lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia và khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.