Vốn FDI: Kỳ vọng và thực tế rất khác nhau
(DNTO) - Hiệp hội doanh nghiệp từ châu Âu cho đến Hoa Kỳ, Nhật Bản… đều đặt nhiều kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng con số đầu tư tư nhân trong 2 tháng đầu năm vẫn chưa khởi sắc.
Đầu tư tư nhân giảm là hiển nhiên
Kinh tế thế giới bất ổn kéo theo hoạt động đầu tư toàn cầu cũng gặp nhiều bất ổn. 2 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 3,1 tỷ USD, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trong khi đó, 2 tháng đầu năm, vốn ngân sách ước đạt 56,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng đầu tư công tăng hơn 18% là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cơ quan và các chủ đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên điều này cho thấy năm nay nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư công. Đây vừa là điểm tích cực nhưng cũng là thách thức cần phải khắc phục để vốn đầu tư tư nhân quay trở lại thúc đẩy nền kinh tế.
Mặc dù đầu tư công đang được coi là vốn mồi cho đầu tư tư nhân. Nhưng theo TS Trần Toàn Thắng, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, đầu tư tư nhân kể cả bên ngoài và bên trong là đầu tư theo kỳ vọng, triển vọng kinh tế. Trong một giai đoạn nhất định, khi triển vọng kinh tế chưa sáng, việc giảm đầu tư tư nhân ở một góc độ nào đó là điều hiển nhiên. Lúc này, vai trò của Nhà nước lúc này là cần gửi tín hiệu rằng các vấn đề của nền kinh tế sẽ được giải quyết và kỳ vọng của nền kinh tế sẽ tốt lên.
Trong thời gian qua, Nhà nước đã gửi tín hiệu rằng các công trình hạ tầng lớn, kết nối các tỉnh sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, thu hút đầu tư tư nhân cũng đang nghẽn, đặc biệt là vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ đầu đến năm 2022 cho đến nay. Một số Nghị định sửa đổi vẫn chưa thể kỳ vọng có thể giải quyết nhanh vấn đề trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, sức ép rất lớn với doanh nghiệp hiện nay là lãi suất cao.
“Chúng ta đang kỳ vọng vào đầu tư tư nhân trên nền tảng nền kinh tế tư nhân tương đối còn mỏng về tiềm lực, về vốn”, TS Thắng nói.
Hiện thực hóa kỳ vọng của nhà đầu tư
Đầu tư tư nhân chững lại và nếu tiếp đà suy giảm sẽ là điểm nghẽn cho những nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế. Và khi vốn đầu tư tư nhân rót xuống dựa vào những kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế, thì phải làm thế nào để kỳ vọng đó được hiện thực hóa. Bởi theo TS Trần Toàn Thắng, kỳ vọng và thực tế rất khác nhau, nếu chúng ta nhìn vào con số vốn đăng kí FDI và vốn thực hiện FDI thì khoảng chênh khá lớn.
“Hàng năm, Việt Nam thu hút vốn FDI tăng thêm từ 1-2 tỷ USD. Điều này thể hiện thực chất môi trường kinh doanh, đầu tư. Các Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu hay Nhật Bản hàng năm đều có những điều tra thể hiện kỳ vọng về môi trường kinh doanh Việt Nam, nhưng nó thể hiện ở con số vốn đăng kí nhiều hơn vốn thực hiện. Ngay kể cả với EU, khối này đầu tư rất lớn vào ASEAN, nhưng chưa phải Việt Nam”, ông Thắng phân tích.
Bên cạnh môi trường kinh doanh, trình tự thủ tục, theo ông Thắng, còn những điểm nghẽn trong vòng 5-10 năm nay vẫn chưa giải quyết được, đó là nguồn lao động chất lượng cao. Hàng năm, tỷ trọng lao động qua đào tạo chỉ tăng 1-2%, như vậy rất khó để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, việc Việt Nam cam kết sẽ áp dụng thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu cũng là khó khăn khi sẽ phải từ bỏ “thuế thấp” - một công cụ mạnh đã sử dụng nhiều năm qua. Khi không còn lợi thế thuế thấp để thu hút các công ty lớn, Việt Nam sẽ phải tăng lợi thế khác dành cho nhà đầu tư nước ngoài lớn.
“Đó là sự ổn định về chính trị và kinh tế. Trong vài năm vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, chúng ta đã làm được điều đó. Tôi cho rằng đây là mục tiêu quan trọng nhất của kinh tế Việt Nam 2023. Khi các doanh nghiệp nước ngoài phải nộp mức thuế tối thiểu là 15%, đổi lại, Việt Nam cần tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh với các nhà cung ứng Việt Nam để họ đảm bảo lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh”, TS Thắng nhấn mạnh.