Một dự án ‘khủng’ 79 triệu USD vừa được đầu tư vào thị trường carbon
(DNTO) - Thông tin được một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tiết lộ, cho thấy thị trường mua bán carbon trên toàn cầu đang rất sôi động.
Thị trường carbon đông đúc các giao dịch
Tại hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh": Net Zero là sứ mệnh và trách nhiệm, sáng 27/6, ông Marc S. Forni, chuyên gia Phụ trách Quản lý Rủi ro Thảm họa, World Bank, cho biết trong 20 năm qua, Ngân hàng này đã làm việc với các nhà tài trợ, các quốc gia trong lĩnh vực mua bán carbon. Hiện World Bank đang có một nhà kho carbon tại Singapore.
Giá trị thị trường carbon đạt mức 909 tỷ USD vào năm ngoái, là thị trường có dung lượng khá lớn và sẽ tiếp tục tăng trưởng khi hầu hết các quốc gia đều hướng tới mục tiêu Net Zero. Hiện có khoảng 40 quốc gia, khu vực đang thực hiện giao dịch tín chỉ carbon. Các doanh nghiệp, công ty sản xuất nếu có mức phát thải vượt mức quy định, phải bỏ tiền mua tín chỉ carbon. Ngược lại, họ có thể bán lại cho doanh nghiệp cần mua, nếu phát thải thấp hơn mức quy định.
“Gần đây có một dự án trị giá 79 triệu USD đã được đầu tư vào thị trường carbon. Con số cách đây vài năm là 50 triệu USD. Như vậy, dung lượng thị trường đã lớn hơn rất nhiều”, ông Forni tiết lộ và nhấn mạnh rằng thị trường carbon hiện có nhiều cơ hội so với các năm trước.
Thống kê cho thấy khí hậu tăng 3 độ C sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới 10% kinh tế toàn cầu. Việt Nam nằm trong 20 quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới. Lượng khí CO2 tăng gấp 2 lần trong thập kỷ qua và sẽ tiếp tục tăng khi tăng trưởng kinh tế 6-7% mỗi năm. Việt Nam hiện cam kết đưa phát thải ròng về 0 cho đến năm 2050, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức.
Việt Nam đang chuẩn bị bước vào thị trường carbon. Theo Nghị định 06 về giảm phát thải, đến năm 2028 sẽ chính thức vận hành sàn giao dịch carbon. Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nắm bắt được xu thế, nhiều doanh nghiệp đang tiến hành việc chuyển dịch xanh càng sớm càng tốt để tận dụng lợi thế của người dẫn đầu. Tại Vinamilk, cuối tháng 5 vừa qua, công ty công bố lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk cho biết không mua tín chỉ carbon mà tiến hành trung hòa carbon. Mặc dù để giảm thiểu phát thải thì doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn, nhưng theo kinh nghiệm của Vinamilk, đầu tư sớm thì chi phí thấp hơn và lợi ích thu về nhiều hơn.
“Nhiều năm trước nếu chúng tôi không tiến hành chương trình 1 triệu cây xanh thì bây giờ không thể tự trung hòa carbon. Hiện trang trại và nhà máy cân bằng khoảng 17.500 tấn CO2/năm, tương đương 1,7 triệu cây xanh 5 tuổi”, ông Khánh nêu ví dụ.
Việt Nam có 40 tổ chức tín dụng cho vay xanh
Theo ước tính của World Bank năm 2022, Việt Nam có thể cần thêm 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm để thực hiện Net Zero. Tuy nhiên, nguồn lực của khối công chỉ đáp ứng khoảng 1/3. Hiện các tổ chức tín dụng đang bước đầu vào cuộc.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, năm 2017, chỉ có 15 tổ chức tín dụng báo cáo dành tín dụng cho các dự án xanh, với quy mô khiêm tốn. Nhưng, hiện đã có 40 tổ chức tín dụng tài trợ cho các dự án xanh, quy mô trên 500.000 tỷ đồng, chiếm trên 4% tổng dư nợ của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Tuy nhiên, hiện các tổ chức tín dụng vẫn khó khăn trong thẩm định các dự án xanh vì có nhiều yếu tố kỹ thuật. Do đó Thủ tướng Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng ban hành một danh mục các tiêu chí xanh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến năm 2022, đã có 30 quốc gia xây dựng bộ tiêu chí xanh. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng Bộ tiêu chí phân loại xanh quốc gia. Đây là cơ sở để lựa chọn dự án đầu tư, cũng như để các dự án xanh có điều kiện tiếp cận với các khoản tín dụng xanh.
"Bộ tiêu chí nếu không mang tính bao trùm, thông lệ quốc tế sẽ rất khó huy động nguồn lực. Vì vậy, Bộ tiêu chí kỳ vọng sẽ đi chi tiết các lĩnh vực, dự án phù hợp định hướng tăng trưởng xanh. Trên cơ sở này, các bộ ngành sẽ xây dựng tiêu chuẩn của từng bộ ngành” bà Ngọc chia sẻ.