11 ngân hàng bị 'soi' đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Chuyên gia nói gì?
(DNTO) - Việc 11 ngân hàng thương mại bị "sờ gáy" về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, đây là động thái rất quan trọng, bởi không có gì đảm bảo việc các ngân hàng không "đổ vỡ" khi hiện nay, trái phiếu ngân hàng nắm giữ đang rất rủi ro.
Trước cú sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) mới đây, các chuyên gia đã đưa ra nhận định, SVB có thể không liên quan trực tiếp đến ngân hàng Việt Nam nhưng những cảnh báo đắt giá về quản trị rủi ro trong ngân hàng là điều đáng lưu ý.
“Ở Việt Nam, các ngân hàng hiện nay cũng "chung cảnh ngộ" khi vẫn huy động vốn ngắn hạn để mua trái phiếu. Và những ngân hàng đứng đầu bảng về huy động lãi suất hiện nay đều là những ngân hàng đang "ôm" trái phiếu nhiều”, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định.
Cụ thể, hết năm 2022, nhiều ngân hàng đã giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tuy nhiên, tại một số nhà băng, danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng.
Đánh giá của FiinRatings tại Báo cáo "Nhìn lại 2022 & Triển vọng thị trường vốn 2023", danh mục TPDN của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Đây cũng là một trong những lý do, NHNN nhiều lần yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư TPDN, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản...
Đơn cử, mới đây Thống đốc ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay, cơ quan Thanh tra ngành ngân hàng đã thanh tra đột xuất và có kết luận thanh tra tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, cơ quan quản lý tiền tệ đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các ngân hàng có hành vi vi phạm về đầu tư TPDN.
Đánh giá về động thái này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, việc "soi' ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng, không có gì đảm bảo việc các ngân hàng không đổ vỡ vì hiện nay ngân hàng ở mức độ rủi ro lớn khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu.
Mặc dù chỉ chiếm gần 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng nhưng khi TPDN bị "nhảy" nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Thông tin cụ thể, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng, hiện số trái phiếu ngân hàng nắm giữ khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó nhiều trái phiếu đến hạn năm nay và năm tới, trong số này 1/3 là doanh nghiệp bất động sản, nhiều doanh nghiệp xếp hàng dài trong chuỗi nợ xấu. Như vậy, trái phiếu ngân hàng nắm giữ đang rất rủi ro.
Ông Hiếu cho biết, việc này sẽ kéo hệ số an toàn vốn của ngân hàng 11,6%. Nếu trái phiếu ngân hàng đang nắm giữ "vỡ nợ" hàng loạt sẽ kéo hệ số rủi ro xuống 10%. Điều này sẽ làm tăng mức độ rủi ro của ngân hàng. Do đó, việc thanh tra trái phiếu rất quan trọng, đặc biệt là những ngân hàng là "sân sau" của doanh nghiệp.
Phân tích những bất cập, ông Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá, thay vì cho doanh nghiệp vay, ngân hàng lại đi mua trái phiếu của doanh nghiệp. Điều này là không tách bạch giữa hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Trong hoạt động đầu tư trái phiếu, ngân hàng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ thì an toàn hơn. Còn huy động tiền của dân mà mua TPDN có độ rủi ro cao.
"Dư nợ trái phiếu trong các nhà băng hiện nay chiếm 10% tổng tài sản, gấp đôi vốn chủ sở hữu của ngân hàng. Nếu như khoản này thành nợ xấu thì rủi ro rất cao. Vì thế cần sửa đổi luật Các tổ chức tín dụng tách bạch giữa ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư để tránh rủi ro cho hệ thống", ông Huân kiến nghị.
Nhấn mạnh về rủi ro của nhà đầu tư khi "gõ cửa" trái phiếu ngân hàng, ở góc độ luật sư, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm của ngân hàng trong bảo lãnh phát hành trái phiếu. Bởi lẽ, nhà đầu tư cá nhân khó xác định trái phiếu doanh nghiệp được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành. Ví dụ, khi tư vấn nhân viên ngân hàng chỉ nói bảo lãnh, nhưng nhà đầu tư lại dễ hiểu đó là bảo lãnh thanh toán, trong khi ngân hàng lại chỉ bảo lãnh phát hành, bán xong là hết trách nhiệm...
Tình trạng một số ngân hàng giới thiệu, mời mọc người đến gửi tiền chuyển sang mua TPDN hay tổ chức cung cấp dịch vụ phân phối TPDN “mập mờ” trong môi giới khiến không ít khách hàng tin tưởng: Mua trái phiếu qua ngân hàng sẽ được đảm bảo hơn so với mua từ các doanh nghiệp, và hệ lụy từ đó nảy sinh...
“Nếu TPDN do ngân hàng phát hành hoặc bảo lãnh có ghi trong hợp đồng, ngân hàng đó sẽ chịu trách nhiệm, khách hàng không lo mất tiền. Hoặc trái phiếu của những công ty lớn, đang làm ăn ổn định thì nhà đầu tư cũng không quá lo lắng. Tuy nhiên nếu những trái phiếu không thuộc 2 dạng trên thì nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro”, ông Đức nhận định và cho rằng, nên có hành lang pháp lý để cấm tư vấn viên tư vấn cho nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu.