TS. Vũ Đình Ánh: Hết sức tránh 'tham' lãi suất cao với những trái phiếu không có tên tuổi
(DNTO) - Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua "trăm hoa đua nở" với mức lãi suất huy động tăng nhanh. Trước sức ép từ nhiều phía, Bộ Tài chính đang tìm cách siết chặt thị trường này, cả cung lẫn cầu. Song, làm thế nào để rủi ro đừng "đến hẹn lại lên", đòi hỏi cuộc cách mạng về các chế tài để thanh lọc.
Liên tiếp gần đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các cảnh báo về những rủi ro phát sinh trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, nhất là khi người mua bị hấp dẫn bởi mức lãi suất mà các doanh nghiệp “mời gọi”.
Sự phát triển nóng và có phần méo mó của thị trường trái phiếu thời gian qua đã làm mất niềm tin của các nhà đầu tư. Vậy làm sao có thể vực được thị trường một cách lành mạnh và bền vững? Làm sao nhà đầu tư tránh “sập bẫy” rủi ro khi đầu tư vào các loại trái phiếu doanh nghiệp? TS. Vũ Đình Ánh - Chuyên gia tài chính ngân hàng, nhìn nhận mặc dù chúng ta đã có các cơ quan quản lý liên quan, nhưng việc buông lỏng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp khiến cho rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng rất nhanh.
Và để bù đắp cho những rủi ro này, chúng ta đã chọn một biện pháp rất phi thị trường đó là tăng lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí là tăng gấp 1,5-2 lần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại.
"Một hiện tượng nữa rất đáng lưu ý đó là việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chúng ta không dựa trên một nền tảng quan trọng đó là xếp hạng tín nhiệm. Do đó các nhà phát hành chạy đua theo nhu cầu vốn cũng như trạng thái tài chính của họ mà họ phát hành ra những trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Mà những rủi ro này không được kiểm soát kể cả từ phía nhà đầu tư cũng như cảnh báo từ các cơ quan quản lý, giám sát. Tôi cho rằng đây là điểm nghiêm trọng nhất đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam", ông Ánh nêu quan điểm.
Cũng theo TS.Vũ Đình Ánh, với các nhà phát hành, mặc dù thỏa mãn theo Nghị định 153, tuy nhiên trong thực tế, khá nhiều lĩnh vực rủi ro vẫn phát hành trái phiếu khi doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Do đó, trách nhiệm của các nhà phát hành rất lớn.
Chúng ta không thể chờ đợi sự tự chịu trách nhiệm của họ mà cần phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm một cách khách quan, trung thực, trình độ. Để từ đó, có thể phân loại các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí từng đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Một điều nữa đó là trách nhiệm của bản thân các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân. Quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp liên quan phát hành trái phiếu riêng lẻ. Còn phát hành theo lô đã có quy định trong Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn có liên quan nên đến nay nên không có vấn đề gì xảy ra cũng không xuất hiện rủi ro.
Tuy nhiên, với phát hành trái phiếu riêng lẻ thực hiện theo Nghị định 153 và thậm chí có khá nhiều nhà đầu tư riêng lẻ thực chất không phải là trái chủ của các trái phiếu riêng lẻ đó mà họ thông qua hợp đồng đầu tư. Như vậy trách nhiệm của họ trong lựa chọn nhà phát hành, kênh phân phối, lựa chọn từng đợt phát hành trái phiếu là rất cao.
Rõ ràng, để hạn chế rủi ro, suốt 2 năm qua, Bộ Tài chính đã liên tiếp nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư mua trái phiếu cần nắm được quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
"Tránh đổ tội cho cơ quan quản lý hay nhà phát hành giống như các trường hợp tụ tập đông người xảy ra trong thời gian qua liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là sự thiếu trách nhiệm của các nhà đầu tư cũng là một lỗi khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng băng...", ông Ánh nhận định.
Một vấn đề khác được TS. Vũ Đình Ánh đặt ra, ai là người phải chịu trách nhiệm đối với thị trường trái phiếu này? Cần xem xét mối quan hệ giữa các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng với thị trường trái phiếu.
"Nếu chúng ta sửa Nghị định 153 theo hướng chỉ có Bộ Tài chính thì chắc chắn không xử lý được vấn đề vì thiếu sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.
Các ngân hàng thương mại tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp không phải chỉ với vai trò của đại lý phát hành mà còn với vai trò của người mua. Nội dung của Nghị định 153 chỉ điều chỉnh 2 đối tượng là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Còn lại thuộc đối tượng điều chỉnh của các luật khác mà không theo Nghị định 153. Do đó, cần có các thể chế từ phía Ngân hàng Nhà nước", ông Ánh nêu rõ.
Đặc biệt, với những người có nhu cầu thực về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ông Ánh cho rằng điều quan tâm đầu tiên đó là nhà phát hành phải là nhà phát hành uy tín, khả năng hoạt động, tình hình tài chính và mục tiêu phát hành của họ.
Rất dễ dàng so sánh trên thị trường mặt bằng lãi suất chỉ 6 - 7%/năm nhưng doanh nghiệp huy động đến 12%/năm thì người mua cần phải đặt dấu hỏi. Đừng thấy lãi suất cao và quảng cáo có ngân hàng đứng sau lưng mà đổ tiền mua ầm ầm mà không biết rằng có khi mình đang mua rủi ro của công ty kia.
"Hết sức tránh tham lãi suất cao với những trái phiếu của các nhà phát hành không đủ điều kiện hoặc do những nhà phát hành tín nhiệm thấp, cố tình thu hút nhà đầu tư bằng lãi suất cao thậm chí cao bất thường", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Thực tế, thị trường trái phiếu doanh nghiệp méo mó không chỉ do sự gian dối của doanh nghiệp phát hành, lòng tham lãi suất cao của nhà đầu tư cá nhân, sự hám lợi hoa hồng khủng của doanh nghiệp phát hành, mà do cả lỗi của đơn vị tư vấn.
Lẽ ra, đơn vị tư vấn phải là "phễu lọc" đầu tiên để thẩm định trái phiếu có tốt không, có đủ điều kiện phát hành không. Tuy vậy, mờ mắt về chi phí tư vấn kếch xù, nhiều công ty chứng khoán ra sức chiều chuộng nhà phát hành, xây dựng hồ sơ chào bán trái phiếu và công bố thông tin dựa trên các thông tin có lợi cho doanh nghiệp phát hành, bỏ qua các thông tin rủi ro. Những cú bắt tay "dưới gầm bàn" của doanh nghiệp phát hành yếu kém với nhà tư vấn thiếu trách nhiệm là nguyên nhân khiến trái phiếu rác tràn ngập thị trường.
Ngẫm đi tính lại, hiện nay các chế tài vẫn còn chưa đủ tính răn đe để thanh lọc thị trường trái phiếu trở nên an toàn và chất lượng hơn, bởi mỗi lô trái phiếu có giá trị từ vài trăm tỉ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Vì vậy không tránh khỏi trường hợp khi doanh nghiệp khó vay ngân hàng nên phát hành trái phiếu, kiểu "được thì ngon, không thì thôi".
Cần dùng biện pháp mạnh hơn về xử phạt. Có thể quy định trong thời gian 6 tháng, 12 tháng nếu doanh nghiệp không có vi phạm về hoạt động chào bán chứng khoán thì mới cho phép phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng.