Nhiều doanh nghiệp bất động sản 'sức khỏe' yếu nhưng 'tham' nên ôm trái đắng
(DNTO) - Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, bệnh của một số doanh nghiệp bất động sản là tham quá. Một số doanh nghiệp bất động sản “sức có 1 nhưng muốn làm 10”, vốn mỏng thôi nhưng phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất "tất tay", ôm dự án nhưng không bán được nên giờ không có cách nào chi trả.
Phát biểu tại Diễn đàn bất động sản mùa xuân thường niên lần 3, do tạp chí điện tử Bất Động Sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam tổ chức ngày 10/3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP Invest, nhận định ngành xây dựng có liên quan mật thiết tới ngành bất động sản, do đó nếu bất động sản "ốm" thì doanh nghiệp xây dựng còn kiệt quệ nặng hơn.
Ở góc độ Hiệp hội nhà thầu, ông Hiệp cho biết những ngày qua, Hiệp hội thường xuyên nhận được ý kiến của thành viên rằng khách hàng đòi hỏi trả tiền bằng sản phẩm như nhà ở, căn hộ vì không có tiền mặt để thanh toán. "Như vậy, ở góc độ Hiệp hội thì cần làm như thế nào", ông Hiệp đặt câu hỏi.
Ông cho biết, từ tháng 6/2022, doanh nghiệp bất động sản sa sút nghiêm trọng khiến doanh nghiệp nhà thầu cũng gặp khó. Có nhiều nguyên nhân chính dẫn tới khó khăn của doanh nghiệp bất động sản.
Thứ nhất, trái phiếu đến đúng hạn trả nợ vào năm 2022-2023 với một lượng trái phiếu rất lớn. Niềm tin của thị trường tụt giảm nghiêm trọng trước những sai phạm trên thị trường trái phiếu.
Theo ông Hiệp, bệnh của một số doanh nghiệp bất động sản là tham quá. Một số doanh nghiệp bất động sản “sức có 1 nhưng muốn làm 10”, có vốn nhỏ thôi nhưng phát hành rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp, ôm dự án nhưng không bán được nên giờ không có cách nào chi trả.
"Đây là căn bệnh "trầm kha" của doanh nghiệp, nói thì dễ mà làm thì "mắc". Cứ trông thấy dự án có điều kiện thế là ôm, nên có doanh nghiệp một năm khởi công 20 - 30 dự án, trong đó có dự án 200 - 300ha thì làm sao đủ vốn được...
Bài toán đặt ra ở đây là phải biết lượng sức mình, đối với một doanh nghiệp thì sức gánh được 60 cân chỉ nên gánh 40 cân, chứ cứ đòi gánh 1 tạ thì chắc chắn gãy xương...", ông Hiệp nêu rõ và cho rằng, doanh nghiệp cần phải tự cứu mình là tiết giảm lại kênh đầu tư, mức đầu tư sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.
Còn nhớ trước đó, phát biểu kết luận tại Hội nghị tín dụng bất động sản, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng đã gửi thông điệp tới cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.
Thống đốc cho biết tại các nước, bản thân doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có bộ phận thường xuyên theo dõi diễn biến kinh tế vĩ mô và có dự báo, đánh giá trước các xu hướng về tình hình thế giới, trong nước và xu hướng các chính sách của Chính phủ để chủ động điều chỉnh đầu tư kinh doanh của mình. Nếu như các doanh nghiệp ở ta cũng làm như doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ không bị động nhiều trong sản xuất kinh doanh của mình.
"Chúng tôi rất mong bản thân các doanh nghiệp cần phải có chủ động trong vấn đề này", Thống đốc nói và cho biết "trong một cuộc họp, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói có doanh nghiệp hiện đang ngồi đây triển khai cùng một lúc trên 50 dự án liền. Tôi không hiểu nếu đồng thời triển khai mấy chục dự án thì khi khó khăn có chủ động được hay không, và giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho tất cả dự án đó?", Thống đốc nêu vấn đề và nhấn mạnh, khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đề nghị các doanh nghiệp cần phải thận trọng, phải có kế hoạch để có sự chủ động của mình.
"Cảnh báo" liên quan tới nguồn vốn tín dụng, TS Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế, cho rằng có hai vấn đề lưu ý với doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn 2023-2024.
Thứ nhất, nguồn vốn tín dụng cho bất động sản đã quá nhiều, lên tới hơn 21% tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế, tốc độ tăng tín dụng lĩnh vực bất động sản năm 2022 gấp đôi mức tăng chung của nền kinh tế, nên giờ đòi thêm vốn tín dụng cực khó.
Thứ hai, giá của vốn vay bất động sản, với tỉ lệ bảo đảm an toàn khoản vay từ 150 - 200%, lãi suất cho vay bất động sản trong mọi hoàn cảnh không thể thấp hơn lãi suất thị trường.
Ông Ánh cho hay, năm 2023 kỳ vọng lãi suất cho vay bất động sản sẽ giảm, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng với lãi vay không cố định, chỉ thấp hơn lãi vay thị trường từ 1,5 - 2% đã được đưa ra, nhưng căn nguyên của khó khăn hiện nay do chính doanh nghiệp bất động sản gây ra, không phải do thị trường tài chính ngân hàng gây ra nên doanh nghiệp phải tái cấu trúc.
"Từ tái cơ cấu kinh doanh tiến tới tái cơ cấu tài chính của doanh nghiệp, sau đó mới tính tới tái cơ cấu nợ trái phiếu", ông Ánh nhấn mạnh.