Cẩn trọng chọn cổ phiếu bất động sản sau nhiều 'tin vui'
(DNTO) - Những quy định mới của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp có thực lực, chất lượng tài sản tốt, pháp lý dự án đầy đủ... Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp bất động sản nào cũng sở hữu những lợi thế như vậy.
Cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng mạnh trong phiên hôm nay, ngày 6/3. Theo đó, nhóm này đã tăng trung bình 1,46% với 8 mã lên kịch trần là NVL, DXG, DIG, PDR... và 49 mã tăng giá, trở thành nhóm dẫn đầu thị trường.
Đà tăng mạnh của nhóm này cho thấy sự hồ hởi của nhà đầu tư sau một loạt tin vui vào cuối tuần qua được cho là có ảnh hưởng mạnh đến nhóm cổ phiếu này. Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vừa ban hành với sự thay đổi nhiều quy định trước đó liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp như doanh nghiệp được dùng tài sản thay thế để thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc/ lãi cho trái chủ khi đến kỳ; thời gian giãn nợ có thể lên tới hai năm; quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp ngưng hiệu lực đến hết năm.
Cũng trong ngày đầu tuần, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, phần lớn nhà băng thực hiện giảm lãi suất huy động, một tiền đề quan trọng để giảm suất lãi vay, qua đó hỗ trợ thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế trong nước.
Nhiều cổ phiếu bất động sản đã đóng vai trò quan trọng hỗ trợ tích cực cho thị trường, trong số 10 mã "có công" với chỉ số VN-Index trong phiên, có nhiều mã bất động sản hiện diện như VHM, NVL, KDH và DIG.
Thời gian vừa qua, nhóm bất động sản đã chịu khá nhiều áp lực từ gánh nặng trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ thanh toán, lãi suất tăng cao... Nên ngay sau khi các tin mới được công bố, tâm lý nhà đầu tư phần nào được cởi bỏ khiến dòng tiền tìm về nhiều hơn với nhóm này.
Không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi?
Theo ông Trần Tuấn Minh, Trưởng phòng phân tích từ Công ty cp đầu tư TVI trao đổi với nhà đầu tư trong chương trình talkshow chứng khoáng ngày 6/3, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đang tạo thêm nhiều không gian và thời gian cho các doanh nghiệp xử lý vấn đề trái phiếu đến hạn mà chưa thể thanh toán, ngân hàng có nhiều tính toán hơn để xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên về trung và dài hạn, vẫn là câu chuyện về chất lượng tài sản và pháp lý dự án, hai vấn đề khúc mắc nhất hiện nay đang khiến dòng tiền bất động sản bị nghẽn. Ngoài ra, có thể kể đến thực tế là tâm lý nhà đầu tư cũng đang bị ảnh hưởng mạnh.
"Đây là những vấn đề chưa thể giải quyết được ngay và cần thời gian dài. Nếu doanh nghiệp có thực lực và pháp lý ổn sẽ tận dụng được nghị định mới để xử lý, còn các doanh nghiệp khác cần đánh giá kỹ hơn", ông Minh cho biết.
"Ngành bất động sản cực kỳ khó dự báo, chúng ta vẫn cần chờ thị trường hồi phục và Luật Đất đai được ban hành. Phải ít nhất từ giữa năm sau, những giá trị cơ bản của ngành bất động sản mới được thể hiện rõ ra", ông cho biết.
Cũng đến từ TVI, ông Nguỵ Văn Hùng, Giám đốc TVI cho biết, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trầm lắng, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đang giúp thị trường bất động sản đi "từ cái xấu nhất đến đỡ xấu hơn".
"Việc được giãn nợ trả lãi trái phiếu chỉ giúp được các doanh nghiệp thực sự khoẻ, đầy đủ pháp lý dự án mới trụ được, chứ không có nghĩa tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều vượt qua. Nhà đầu tư nên cực kỳ để ý, không nên chọn bừa một doanh nghiệp nào đó. Không thể có chuyện một doanh nghiệp đang nợ nhiều trái phiếu được hưởng lợi như các doanh nghiệp khác, quan trọng là những dự án của họ có bán được không, thu được tiền về không?", ông Hùng cho biết.