Cổ phiếu đầu tư công: Hưởng 'vận may' do thị trường gặp khó?
(DNTO) - Dòng tiền yếu, sức lan toả kém hay định giá còn cao, triển vọng doanh nghiệp mờ nhạt là những nhận định về nhóm cổ phiếu đầu tư công, nhóm có đà tăng khá tốt thời gian qua.
Kết phiên hôm nay, 1/3, nhiều cổ phiếu đầu tư công ghi nhận đà tăng tốt, thậm chí nhiều mã tăng kịch trần. Mã HHV của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả tăng trần với 6,9%; VCG của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam tăng hơn 6%; LCG của Công ty cổ phần Lizen cũng chạm giá trần với mức tăng 6,9% hay mã C4G của Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 tăng 5,6%.
Đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu này nhờ các chính sách đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ, hai tháng qua VCG đã tăng 18%, C4G tăng 21%, HHV tăng 38% hay LCG tăng tới 64%. Trong khi đó, chỉ số VN-Index chốt phiên đầu năm tại 1.043 điểm, thì kết phiên hôm nay chỉ còn 1.040 điểm.
Thực tế, tính đến đầu tháng 2, phía Bộ Tài chính cho biết đã phân bổ được trên 638 tỷ đồng, tương đương với hơn 90%, trong số hơn 704 tỷ đồng theo kế hoạch giải ngân mà Thủ tướng giao. Với nguồn vốn sẵn sàng giải ngân, nhóm đầu tư công dường như đang nhiều ưu thế hơn các nhóm ngành khác ở thời điểm hiện tại.
Được quan tâm do nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn?
Trong khi nhiều nhà đầu tư dành kỳ vọng ở nhóm cổ phiếu này, ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập FinPeace, lại chia sẻ với nhà đầu tư, việc tham gia cổ phiếu đầu tư công thời điểm hiện tại chẳng khác gì nhà đầu tư đang "ngược dòng".
"Tôi mong chờ thị trường tăng trưởng mạnh khi đó sẽ đánh dòng mạnh nhất, chứ không đi dòng nước ngược trong tình huống khó khăn", ông cho biết.
Đây là nhóm cổ phiếu phòng thủ và thường được nhắc nhiều khi thị trường gặp khó. "Tôi đồng ý là nhóm này đã tạo được pha tăng đợt vừa rồi nhưng khó có thể lan toả và tiếp diễn. Mọi người có thể thấy các dòng lớn như tài chính ngân hàng gần như không có thay đổi gì cả khi nhóm này tăng giá", ông Tuấn Anh cho biết. Về cơ bản, nhóm đầu tư công chỉ là câu chuyện của một dòng tiền nhỏ trên thị trường.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của chứng khoán Yuanta lại cho biết, nhóm đầu tư công hiện đang bị định giá đắt. Trong khi đó, bản thân dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa chắc đã đảm bảo cho giai đoạn hiện tại.
"Các doanh nghiệp đầu tư công có chung nhược điểm là bức tranh hoạt động kinh doanh những năm trước có dòng tiền đang bị âm, và việc triển khai dự án đầu tư công chưa được ghi nhận ở nhóm này", ông Minh nhận định.
"Bối cảnh khi mà dòng tiền không có quá nhiều sự lựa chọn thì họ sẽ hướng vào các cổ phiếu có câu chuyện rõ ràng hơn, như đầu tư công, mặc dù rõ ràng định giá đang khá cao", vị chuyên gia cho biết.
Ở các quốc gia, sau giai đoạn ảnh hưởng, lĩnh vực đầu tư công sẽ đóng góp tích cực cho các quốc gia này. Do đó, câu chuyện đầu tư công nếu được giải quyết trong năm 2023 sẽ là điểm cộng cho thiệt hại của nền kinh tế trong nước.
Quan tâm đến sức khoẻ doanh nghiệp
Theo Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), các doanh nghiệp trúng thầu các dự án trong gói đầu tư công của Chính phủ dù giá cổ phiếu đang tăng mạnh, mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận sau thuế trong năm qua nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh lại gặp vấn đề bởi suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân đầu tư công có thể đạt đến đâu cũng là câu chuyện cần nhắc tới. Theo số liệu thống kê, nhiều năm nay tỷ lệ giải ngân đầu tư công luôn ở mức thấp, trừ các năm 2020-2021 đẩy mạnh để hỗ trợ hậu quả dịch bệnh.
Điều này cho thấy việc giải ngân đầu tư công được giám sát chặt chẽ, do đó việc lựa chọn các nhà thầu sẽ được cân nhắc kĩ lưỡng. Và chỉ những doanh nghiệp thực sự tốt mới có cơ hội nhận được các gói thầu lớn trong giai đoạn tiếp theo, Mirae Asset cho biết.
Như vậy, không phải bất kỳ cổ phiếu nào liên quan đến đầu tư công đều có thể được hưởng lợi, thậm chí nhiều mã đã phản ánh hầu hết yếu tố kỳ vọng.
"Nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến dòng tiền doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư", Mirae Asset khuyến nghị.