'Cổ phiếu ngành đường bước vào sóng tăng mới, gian khó với ngành thép đã qua'
(DNTO) - Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam, từ nay đến hết quý 2, nhà đầu tư nên giữ chiến lược ưu tiên phòng thủ, và nên quan tâm đến diễn biến đồng đô la trong ngắn hạn.
"Nên quan tâm đến đồng đô la"
2023 được vị chuyên gia này đánh giá là một năm khó khăn của thị trường chứng khoán.
Theo phân tích của ông tại chương trình "Khớp lệnh" vừa diễn ra ngày 1/3, nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của chứng khoán trong nước đến từ áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì năm nay, "cơn bão lớn" này đã tạm lắng. Thay vào đó là câu chuyện các doanh nghiệp bất động sản, về đáo hạn trái phiếu, về các rủi ro có thể xảy ra...
"Từ đây cho đến quý 2, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ hơn là mạo hiểm chấp nhận rủi ro", Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam cho biết. Sang giai đoạn quý 3, khi các câu chuyện đã được giải quyết, nhà đầu tư nên lọc giữ lại các doanh nghiệp khoẻ, đặc biệt nhóm bất động sản, sau đó sẽ xem xét những rủi ro kế tiếp.
Năm 2023, Fed khả năng sẽ tạo đỉnh lãi suất trong tháng 6 với mức khoảng 5,5%. Hiện tại các chỉ số như lạm phát, thất nghiệp đang ủng hộ cho Fed tăng lãi suất khiến dòng tiền có khuynh hướng tìm về các tài sản an toàn như đồng đô la. Do đó, "nhà đầu tư nên quan tâm đến đồng đô ở thời điểm ngắn hạn hiện tại, vì đây là chỉ báo ngược của chỉ số chứng khoán, cũng như lợi tức trái phiếu", ông Minh cho biết.
Hiện tại đồng đô đang nằm ở đỉnh đầu năm, với vùng cản mạnh 105 điểm. "Nếu ngắn hạn đồng đô la không bứt phá khỏi vùng này thì có thể xảy ra áp lực điều chỉnh, có thể là đợt điều chỉnh ngắn và như vậy sẽ có hiệu ứng ngược với các chỉ số chứng khoán", ông Minh chia sẻ.
Bối cảnh năm 2023 nhiều khó khăn sẽ cho thấy rõ nét sức khoẻ của mỗi doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sức khỏe tốt thường giữ được tăng trưởng doanh thu đi ngang hoặc tăng trưởng dương, trong trường hợp doanh thu giảm tốc sâu, công ty sẽ gặp khó với dòng tiền ngắn hạn.
Dù vậy, theo chuyên gia của Yuanta, thị trường vẫn có các điểm sáng như: (1) Khuynh hướng hạ nhiệt lãi xuất; (2) Sự phân hoá giữa các nhóm ngành, ưu tiên các ngành tiện ích, lĩnh vực tiêu dùng, thực phẩm, dịch vụ dầu khí và (3) Đáo hạn trái phiếu có thể được giải quyết sau giai đoạn quý 3 này.
Ngành đường sẽ bước vào sóng tăng mới?
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ góp phần hỗ trợ cho nhóm nguyên liệu cơ bản như ngành thép và đường.
Theo góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh, "Ấn Độ là nước xuất khẩu nhiều đường nhưng đang siết lại hoạt động xuất khẩu, tiếp đó Brazil lại có xu hướng chuyển sang làm nguyên liệu ethanol nhiều hơn là nguyên liệu ép mía đường. Do đó lợi thế trên thị trường đang dành cho Thái Lan và Việt Nam".
Nói về nhóm cổ phiếu ngành đường, ông nhận định: "Cổ phiếu ngành đường đang bước vào chu kỳ sóng tăng 3, đây là sóng lớn, tăng bền và tăng thanh khoản lớn".
Với ngành thép, từ quý 4 vừa qua, nhóm ngành này đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trở lại chu kỳ cân bằng với trạng thái tích luỹ.
"Điều quan trọng nhất là sự tăng trưởng trở lại như thế nào thì nên chờ thêm kết quả phản ánh trong quý 1 và quý 2 khi chu kỳ xây dựng trở lại và khi thị trường Trung Quốc mở cửa, nếu xuất khẩu tăng trở lại sẽ là điểm cộng cho nhóm này", ông Minh chia sẻ
Việc Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng trở lại cũng khiến giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép có khuynh hướng tăng lên, theo đó mức biên lợi nhuận gộp của nhiều doanh nghiệp có khuynh hướng hồi phục. Điểm sáng, theo ông Minh, là việc HPG dự định mở lại nhà máy đã đóng trước đó, một dấu hiệu tích cực.