Thị trường rung lắc, một cổ phiếu cà phê từng 'kêu cứu' tăng gần 160% sau vài phiên
(DNTO) - Chỉ số VN-Index mất hơn 18 điểm kết phiên, chỉ còn 1.021 điểm. Hầu hết các nhóm ngành đều rơi vào giảm điểm trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư khá tiêu cực. Dù vậy, một cổ phiếu cà phê vẫn tăng mạnh.
Điểm nhấn trong các phiên giao dịch gần đây phải nhắc đến cổ phiếu CFV của Công ty Cà phê Thắng Lợi. Trong khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành giao dịch không có gì nổi bật thì CFV lại có nhiều dấu ấn đáng nhớ.
Nhìn lại quá khứ, vào giữa tháng 8/2022, CFV từng tăng một mạch từ 4.300 đồng lên 91.300 đồng, tương đương tăng hơn 2.000% chỉ sau 1 tháng. Thậm chí, chính công ty phải có đơn "kêu cứu" vì "nghi ngờ một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường chứng khoán để tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân”.
Doanh nghiệp cũng phải đề nghị Uỷ ban Chứng khoán nhà nước và HNX tiến hành kiểm tra các cá nhân thực hiện giao dịch dẫn tới việc biến động tăng trần bất thường của cổ phiếu này.
Ngay sau đó, cổ phiếu này nhanh chóng về lại mức giá dưới 20 ngàn đồng mỗi mã.
Tuy nhiên, trong 7 phiên giao dịch gần đây, CFV tiếp tục nổi lên khi liên tục kéo dài chuỗi tăng kịch trần. Thị giá CFV từ 9.000 đồng/cp tăng nhanh lên 22.300 đồng/cp, tương đương với mức tăng 159% sau 7 phiên. Số lượng giao dịch mỗi phiên cũng tương đối thấp, như ngày 22/2 chỉ có 100 cổ phiếu được khớp lệnh. Ngày hôm nay, CFV tăng gần 15%, chỉ với khoảng 2 ngàn cổ phiếu, tương đương giá trị khoảng 46 triệu, được khớp lệnh.
Giải trình về điều này, lãnh đạo của Cà phê Thắng Lợi cho biết, "việc giá cổ phiếu tăng trần các phiên liên tục hoàn toàn là do diễn biến của thị trường chứng khoán", phía công ty không có cơ sở để giải trình.
Phiên giao dịch đầu tuần hôm nay, 27/2, dường như vẫn chưa thoát khỏi không khí ảm đạm của tuần giao dịch liền trước, tuần mà VN-Index giảm hơn 19 điểm, tương đương mất 1,86%.
Tâm lý nhà đầu tư vẫn còn bị ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin về một số trường hợp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản từ phía Chính phủ chưa rõ nét... Cùng lúc, trên thị trường thế giới, biên bản cuộc họp Fed tiếp tục phát đi tín hiệu về động thái tăng lãi suất trong thời gian tới.
Khối ngoại cũng mạnh tay bán ròng trong phiên với giá trị bán ròng đạt trên 650 tỷ đồng trên HoSE.
Không khí giao dịch kém tích cực ngay từ đầu phiên, có thời điểm VN-Index mất hơn 20 điểm. Cuối phiên, nhờ lực cầu đỡ lại, chỉ số này chỉ mất hơn 18 điểm, chốt phiên tại 1.021 điểm. Không một nhóm cổ phiếu nào có thể tăng điểm.
Theo các chuyên gia từ VCBS, nếu thanh khoản bán chủ động tiếp tục gia tăng thì xác suất VN-Index giảm về vùng 1.000 điểm là cần được tính đến. Ngoài ra, tại khung đồ thị tuần, chỉ số này đang tiến sát về dải mây dày ichimoku cho thấy việc bứt phá trở lại khó khăn hơn.
"Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động nâng cao tỉ trọng tiền mặt, hạn chế bắt đáy ngay cả khi VN-Index bật nảy trong phiên khi chạm các vùng hỗ trợ. Thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên đợi chờ những tín hiệu tạo điểm cân bằng rõ ràng hơn, ít nhất là từ 3 – 5 phiên tích lũy tích cực trở lại", VCBS nhận định.