Số phận khác nhau của các cổ phiếu mang 'họ FLC', có mã tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp
(DNTO) - Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì vi phạm pháp luật, cổ phiếu của các doanh nghiệp mang chữ FLC phần lớn rơi vào khó khăn, có mã bị huỷ niêm yết, có mã bị tạm ngừng giao dịch hay phải chuyển sàn, mặc dù vậy cũng có mã tuần qua có tới 5 phiên tăng trần liên tiếp.
Cổ phiếu của các doanh nghiệp gắn với chữ FLC từng có một thời hoàng kim. Mức giá cao nhất mà cổ phiếu ROS của Công ty Xây dựng FLC Faros từng đạt được là 214.000 đồng/cp. Mã GAB (Công ty cổ phần Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC) có chiều tăng gần như thẳng đứng và không hề kém cạnh với mức giá đạt trên 196 ngàn mỗi mã.
Mã FLC (Tập đoàn FLC) có thời điểm đạt trên 22 ngàn mỗi cổ phiếu. Hay AMD của Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng có lúc đạt trên 20 ngàn mỗi mã.
Tuy nhiên, sau khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, sa lưới pháp luật về tội thao túng giá chứng khoán, số phận của các cổ phiếu họ FLC khá ảm đạm.
Mã FLC buộc phải sang thị trường UPCoM vào ngày 22/2, nay dù chính thức được HNX chấp thuận giao dịch nhưng vẫn vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 3/3.
GAB cũng vừa có quyết định chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch. Mã ROS của Công ty Xây dựng FLC Faros bị hủy niêm yết trên sàn HOSE. Cổ phiếu AMD bị hạn chế giao dịch. Các doanh nghiệp không thể công bố báo cáo tài chính năm 2022 đúng hạn.
Đáng nói, ngoài GAB đang còn thị giá cao trước thời khắc bị đình chỉ giao dịch, các cổ phiếu khác chỉ còn giá trị tương đương ly trà đá mỗi đơn vị.
Điểm sáng trong tuần qua lại đến từ AMD, khi cổ phiếu này bất ngờ tăng kịch trần 5 phiên liên tiếp khi các cổ phiếu khác trong họ liên tục nhận tin xấu. Chỉ sau 5 phiên giao dịch, mã cổ phiếu này đã tăng gần 38%, từ mức giá 1.190 đồng/cp lên 1.640 đồng/cp và trong tình trạng dư mua hàng trăm nghìn cổ phiếu, trong khi đó chiều dư bán trắng bảng.
Dù thị giá của AMD cũng còn tương đối thấp nhưng với đà tăng mạnh, AMD đã trở thành điểm sáng trong bối cảnh thị trường đi xuống mạnh trong tuần.
FLC Stone hiện sở hữu 4 mỏ và 3 nhà máy khai thác đá tự nhiên tại Thanh Hóa, mỏ Ngọc Lặc (tại xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc), nơi khai thác sản phẩm chiến lược của FLC Stone, có quy mô 25ha sẽ được đưa vào khai thác ngay trong năm nay.
Không chỉ phát triển thị trường trong nước, doanh nghiệp còn đẩy mạnh xuất khẩu đá khối sang nhiều thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Malaysia...
Trong bối cảnh thị trường Trung Quốc hồi phục sau giai đoạn Covid, cùng những chính sách đẩy mạnh đầu tư công trong nước, trong tầm nhìn của nhiều nhà đầu tư, AMD được cho là một cổ phiếu hưởng lợi trong thời gian tới.
FLC Faros (ROS), công ty do ông Quyết nắm 4,18% vốn, từng chi hơn 160 tỷ đồng mua vào hơn 15 triệu cổ phiếu AMD và trở thành cổ đông lớn của FLC Stone. Hiện tại, FLC Faros đã thoái toàn bộ vốn khỏi FLC Stone, ông Quyết cũng không nắm quyền điều hành hay sở hữu đa số cổ phiếu AMD. Mặc dù vậy, những hệ luỵ dường như vẫn ám ảnh AMD.
Hơn 1 năm, cổ phiếu AMD vẫn không vượt khỏi mức giá dưới 10 ngàn mỗi mã. Từ quý 4 năm 2022 đến nay, thị giá AMD luôn ở mức giá dưới 2 ngàn đồng mỗi đơn vị.
Giải trình cho quý 4/2022 thua lỗ, tổng doanh thu sụt giảm gần 90% do ảnh hưởng khách quan của việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt dẫn đến việc các đối tác và ngân hàng dừng hợp đồng mua bán và dừng thi công các công trình xây dựng.
Cho cả năm 2022, FLC Stone đạt doanh thu thuần gần 486 tỷ đồng, bằng chưa đầy 1/3 cùng kỳ năm 2021. Công ty báo lỗ sau thuế kỷ lục hơn 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 11 tỷ.