ROS nâng khống vốn thần tốc ra sao dưới bàn tay Trịnh Văn Quyết?
(DNTO) - Sử dụng chiêu thức nâng khống vốn thần tốc, qua mặt cơ quan chức năng phát hành thêm hàng trăm triệu cổ phiếu, tiếp đó là "thổi giá" rồi "bán chui", Trịnh Văn Quyết đã sử dụng một loạt chiêu trò bẩn tại ROS.
Vốn chủ sở hữu tăng hơn 1.200% trong một năm
Công ty Cổ phần Xây dựng Faros (mã chứng khoán ROS) được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0105167581, đăng ký lần đầu ngày 1/3/2011, vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 1,5 tỷ đồng. Tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, với ngành nghề kinh doanh chính là thi công đường giao thông, nhà cao tầng, các công trình dân dụng, tháng 5/2015, công ty chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Xây dựng Faros.
Từng có thời Faros được biết đến là tổng thầu lớn của nhiều dự án xây dựng khu đô thị lớn tại Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước, có thể kể đến FLC Sầm Sơn hay FLC Quy Nhơn.
"Thương hiệu Faros lấy cảm hứng từ ngọn hải đăng trước biển khơi, truyền tải thông điệp, định hướng phát triển của Công ty trở thành doanh nghiệp tiên phong trong ngành xây dựng tại Việt Nam", bản giới thiệu của Faros năm 2016 cho biết.
Thời kỳ "cực thịnh" của doanh nghiệp này phải kể đến giai đoạn năm 2014-2016, khi báo cáo tài chính đưa ra những con số chót vót ít ai ngờ tới. Cụ thể, năm 2015, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp tăng 5.738% so với năm 2014 đạt ; năm 2016, tăng 304% so với năm 2015. Chưa kể tổng tài sản của doanh nghiệp cũng tăng thần tốc, từ chỗ 781 tỷ năm 2014 đã lên hơn 4.000 tỷ năm 2015 và lên hơn 8.000 tỷ năm 2016.
Về quy mô tăng vốn chủ sở hữu cũng khó doanh nghiệp nào có thể bì với ROS. Vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng, tuy nhiên đến năm 2014 đã là 226 tỷ đồng, đến năm 2015 đã là 3.149 tỷ đồng, tăng 1.291% so với năm 2014 và đến năm 2016 đã gần 5.000 tỷ đồng.
Chiêu thức huy động vốn của ROS được thông báo là nhờ thực hiện phương thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, riêng đợt tháng 3/2016 là phát hành riêng lẻ, mỗi đợt hàng trăm tỷ đồng, thậm chí là gần 2.000 tỷ đồng năm 2015. Tuy nhiên tất cả chỉ là phù phép, một chiêu thức bẩn của doanh nghiệp này.
Thông tin điều tra từ Bộ Công an cũng cho biết, sau khi nâng khống vốn điều lệ lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần, ROS đã niêm yết 430 triệu cổ phiếu này lên sàn chứng khoán, sau đó là các chiêu thức thổi giá, bán chui để chiếm đoạt của nhà đầu tư.
Cũng theo cơ quan này, tính đến ngày 24/02/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái) bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ đứng tên), thu được tổng cộng 6.412 tỷ đồng, sau đó rút tiền mặt về.
Liệu có muộn?
Như vậy chỉ sau 3 năm từ 2014 đến 2016, dưới bàn tay của Trịnh Văn Quyết phù phép, ROS từ một doanh nghiệp nhỏ đã trở thành một tập đoàn lớn có vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng. Điều đáng buồn là sự việc cách đây nhiều năm trước tuy nhiên đến bây giờ mới được đưa ra ánh sáng.
Nếu không có chuyện ông Trịnh Văn Quyết có hành động "bán chui" cổ phiếu quá lộ liễu để cơ quan chức năng phải vào cuộc thì có lẽ sự thật này sẽ cần thêm nhiều manh mối và thời gian hơn nữa?
Việc doanh nghiệp nâng vốn điều lệ là điều khá bình thường phụ thuộc vào quy mô kinh doanh và tiềm lực tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nâng khống vốn điều lệ là sự lừa dối với các cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng và với các nhà đầu tư.
Đặc biệt, nếu sự việc phát hiện sớm hơn có lẽ hơn 500 triệu cổ phiếu ROS bị cấm giao dịch sẽ không khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải đau đầu, cùng đó là hơn 5.800 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn sẽ không có điều gì đáng tiếc?
Sau thông tin bị cấm giao dịch, ROS hiện vẫn chưa đưa ra phương án xử lý với các cổ đông. Cũng trong ngày hôm qua, ngày 25/8, một ngày nhiều tin dữ, phía doanh nghiệp thông báo về thông tin Đại hội cổ đông, theo đó, doanh nghiệp dự kiến sẽ tổ chức đại hội vào 8g30 phút ngày 15/9 tới. Cùng ngày, hai thành viên của ban kiểm soát của ROS là ông Nguyễn Trọng Huyên và Doãn Việt Hoàng cùng có đơn xin từ nhiệm.
Theo Doanh Nhân Trẻ đã đưa tin, ngày 23/8/2022, Bộ Công an ra đã có Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với: Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga và Hương Trần Kiều Dung về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".