FLC thay 'tướng', kỳ vọng vượt sóng dữ
(DNTO) - Một loạt lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn FLC đã được bầu bổ sung hoặc sắp xếp lại, cuộc thay 'tướng' được nhiều người kỳ vọng về một sự thay đổi lớn từ phía tập đoàn này.
Đại hội cổ đông bất thường lần 2 của Tập đoàn FLC ngày 2/7 đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng về nhân sự cấp cao của tập đoàn, vốn lâu nay gặp khó sau khi nhiều nhân vật chủ chốt vướng vòng lao lý.
Với Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐQT-FLC, ông Đặng Tất Thắng sẽ đã được quyết định thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC, để đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 2/7/2022.
Thay thế ông Thắng, ông Lê Bá Nguyên, "người cũ" của FLC sẽ quay trở lại nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 2/7.
Được biết Tân chủ tịch Lê Bá Nguyên chính anh rể cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, tức anh trai ruột của bà Lê Thị Ngọc Diệp, trong một gia đình có ba anh chị em.
Ông Nguyên sinh ngày 12/7/1977, từng là Thành viên Hội đồng quản trị tại FLC trong nhiều năm từ 2013 đến 2017, sau đó từ 2018 đến 2020. Ông là từng theo học Đại học Y hà Nội chuyên ngành bác sĩ đa khoa và hiện đã có bằng thạc sỹ về quản ký y tế. Ông cũng là người khá thành công trong mảng y tế với các vị trí Giám đốc Phòng khám đa khoa Việt Hàn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ Y tế Hà Thành...
Cùng đó, bà Bùi Hải Huyền sẽ giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC kể từ ngày 2/7. Bà Huyền sinh 7/12/1976, từng giữ cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes thay cho bà Hương Trần Kiều Dung từ tháng 5/2020. Hai thành viên mới cũng được bầu bổ sung là ông Doãn Hữu Đoàn, sinh năm 1982 và ông Lê Thái Sâm, sinh năm 1964, hai thành viên được cho là nhiều kinh nghiệm cũng như năng lực.
Vị trí Trưởng Ban Kiểm soát được bầu lại và sẽ do ông Nguyễn Xuân Hòa nắm giữ từ ngày 2/7 năm nay.
Vượt qua sóng gió?
Như vậy, từ ngày 2/7, các vị trí cấp cao tại FLC về cơ bản đã được sắp xếp hứa hẹn nhiều kỳ vọng mới cho tập đoàn.
Một vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu tại Đại hội cổ đông là liệu khi nào FLC có thể công bố báo cáo tài chính năm 2021? Trả lời vấn đề này, lãnh đạo FLC cho biết, doanh nghiệp sẽ cố gắng sẽ ký hợp đồng với cơ quan kiểm toán trong tháng 7 và hoạt động kiểm toán sẽ bắt đầu trong tháng 8, đặc biệt đơn vị kiểm toán sẽ vừa kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 vừa soát xét báo cáo tài chính bán niên 2022.
Trước đó, FLC đã có 3 công văn giải trình kể từ lần đầu tiên vào cuối tháng 4 vừa qua về việc không thể công bố báo cáo kiểm toán theo quy định, và ở giải trình gần nhất nguyên nhân được đưa ra là: chưa thể tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp. Do đó, nếu kế hoạch trên có thể thực hiện, mã cổ phiếu FLC sẽ giao dịch bình thường trở lại chứ không phải chỉ được giao dịch buổi chiều như hiện nay, đồng thời sẽ không bị hủy niêm yết.
Hiện tại, tính từ ngày 21/6 đến 1/7, cổ phiếu FLC đã có 9 phiên tăng điểm trong đó có 6 phiên tăng kịch trần, tăng từ mức 3.650 đồng/cp lên 5.800 đồng/cp, mức tăng đột biến trong giai đoạn thị trường chứng khoán đang có chiều đi xuống.
Ngày 29/6, FLC thông qua nghị quyết mua lại toà nhà 265 Cầu Giấy, Hà Nội sau đó xin cổ đông cho phép bán cho bên khác với giá tối thiểu 2.000 tỷ đồng, tòa nhà đã được sử dụng để cấn trừ nợ cho tập đoàn tại Ngân hàng Phương Đông.
Trước đó, FLC cũng thông qua nghị quyết dùng quyền sử dụng đất thuộc dự án đầu tư tại huyện Đak Đoa, Gia Lai làm tài sản đảm bảo khi vay, mua bán trái phiếu tại OCB.
Hiện tại, các cổ đông đang vô cùng mong chờ ngày mã FLC có thể "vào bờ" và không còn là mã cổ phiếu "trà đá".