Cái kết buồn của cổ phiếu họ FLC: 'Tất cả trở thành kỷ niệm'
(DNTO) - Ngay khi người đứng đầu - ông Trịnh Văn Quyết - rơi vào vòng lao lý, cả hệ sinh thái của Tập đoàn FLC gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF, ART, GAB từng có thời huy hoàng nay rơi vào điêu đứng, thị trường sẽ cần nhiều thời gian mới quên được nỗi đau này.
Ngay trước kỳ nghỉ lễ, một loạt thông báo từ HoSE đã phần nào khẳng định sự sụp đổ gần như hoàn toàn của loạt cổ phiếu từ hệ sinh thái FLC.
Cụ thể, ngày 5/9, ROS của Xây dựng FLC Faros sẽ bị đình chỉ giao dịch bắt buộc. Tiếp đó, ngày 9/9, mã FLC của Tập đoàn FLC cùng mã HAI của Công ty Cổ phần Nông dược HAI cũng sẽ cùng chung số phận. Mã GAB có vẻ may mắn hơn khi mới chỉ rơi vào diện cảnh báo, tuy nhiên có lẽ vận may sẽ không kéo dài với một mã hơn 5 tháng nay không hề có bất kỳ giao dịch nào và doanh nghiệp hai quý gần nhất làm ăn thua lỗ.
Hai cổ phiếu có khối lượng lưu hành lớn là ART của Công ty Chứng khoán BOS và KLF của Công ty Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS hiện đã bị cắt margin từ ngày 31/8.
Cùng đó là sự thua lỗ của hầu hết các doanh nghiệp trong hệ sinh thái. FLC lỗ sau thuế hơn 600 tỷ đồng trong quý 2; KLF lỗ gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 2 tỷ đồng; AMD lỗ ròng quý 2 gần 24 tỷ đồng, đánh dấu quý báo lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết. Trong khi đó, FLC, ROS hay HAI không thể công bố được báo cáo tài chính bán niên sau soát xét bán niên.
Tính đến ngày 31/8, hàng loạt cổ phiếu FLC rơi vào tình cảnh giá rẻ như cho, thậm chí không mã nào vượt được giá 5 ngàn đồng mỗi đơn vị, không còn bằng một ly trà đá. Nhà đầu tư đua nhau bán tháo hòng rút chân cứu vãn đồng nào hay đồng nấy. Bực tức, cáu giận, suy sụp niềm tin là điều mà nhiều nhà đầu tư đang phải trải qua ở giai đoạn này. Hoặc có chăng nữa là sự chán nản buông xuôi chấp nhận mất. Cũng không ít người lại chua chát kỳ vọng, biết đâu 10 năm nữa...
Có lẽ ai đó sẽ khó quên được thời huy hoàng của một loạt cổ phiếu này. ROS vào thời điểm giữa năm 2017 từng được giao dịch với mức giá khoảng 170 ngàn/cp. GAB đạt gần 195 ngàn mỗi đơn vị hồi cuối tháng 3 năm nay. Các mã FLC, HAI, AMD hay ART đều từng đạt mức trên 20 ngàn mỗi cổ phiếu.
Mọi việc bắt đầu thay đổi khi người đứng phía sau hệ sinh thái này, người có thời trở thành tỷ phú trên sàn chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết, sa lưới pháp luật. Và hơn 5 tháng nay, cả một hệ sinh thái rơi vào điêu đứng. Theo kết quả của cơ quan điều tra, từ năm 2016, ông Trịnh Văn Quyết cùng các em gái đã liên tục có hành vi sai phạm như thổi và nâng khống giá với HAI, FLC, GAB, AMD..., nâng khống vốn điều lệ tại ROS, kiếm lời hàng nghìn tỷ đồng.
Từng có ý kiến cho rằng, ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhưng không có nghĩa ông Quyết là FLC, hai khái niệm có liên quan nhưng hoàn toàn khác nhau. Do đó vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết hoàn toàn không tác động đến định hướng và hoạt động của tập đoàn. Có thể nói, về cơ bản là vậy, tuy nhiên thực tế đã chứng minh, khi người đứng sau ra đi thì cả một hệ sinh thái suy yếu theo, hội đồng quản trị các doanh nghiệp không đủ sức chèo lái con thuyền, kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho nhóm cổ phiếu cũng kết thúc.
Hiện nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm 80% tổng giao dịch và nhất là trong bối cảnh thị trường đang từng bước hoàn thiện để tiến gần với thông lệ quốc tế, những mã chứng khoán trong hệ sinh thái FLC đã để lại "hố sâu" trên thị trường, khi niềm tin của nhà đầu tư bị đổ vỡ và đặc biệt sự hoài nghi về sự minh bạch của thị trường sẽ rất lâu nữa mới có thể qua đi.
Câu chuyện về cổ phiếu FLC sẽ chỉ còn là kỷ niệm để thế hệ nhà đầu tư sau này kể lại, là bài học và cũng là động lực cho sự đổi mới của thị trường cho ngày được nâng hạng không còn xa nữa.