'Đầu tư công là ý tưởng đầu tư đặc biệt cho năm nay'
(DNTO) - Theo Giám đốc Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS), ông Nguyễn Minh Hoàng, cổ phiếu đầu tư công là ý tưởng đầu tư đặc biệt cho năm 2023; tiếp đó là cổ phiếu doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; nhóm ngành điện và năng lượng xanh; cuối cùng, nhóm ngân hàng và chứng khoán.
Sau hai tháng tăng điểm, thị trường chứng khoán trong nước bước vào giai đoạn điều chỉnh. Hai tuần vừa qua, VN-Index bước vào nhịp giao động mạnh, thậm chí có phiên rơi vào lực bán áp đảo. Thanh khoản có xu hướng giảm rõ. Diễn biến thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có vẻ đang khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng.
"Thị trường đang tìm điểm cân bằng mới sau hai tháng tăng điểm", ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích của VFS cho biết tại chương trình Khớp lệnh diễn ra ngày 10/2.
"Vùng hỗ trợ cho lần điều chỉnh này sẽ từ 1.040 - 1.050 điểm. Nếu thị trường xuất hiện nhịp bán mạnh, có dòng tiền lớn nhảy vào bắt đáy thì cần xem xét điểm cân bằng, còn nếu không có thì thị trường tiếp tục tìm điểm cân bằng ở vùng sâu hơn", ông Hoàng nhận định.
Nói về ý tưởng đầu tư trong năm nay, theo vị chuyên gia, đầu tư công có thể xem là một ý tưởng đầu tư đặc biệt mà nhà đầu tư có thể kỳ vọng, khi lĩnh vực này được Chính phủ chú trọng quan tâm. Theo quan sát của ông, thời gian qua, sự biến động giá của nhiều cổ phiếu nhóm ngành liên quan đến đầu tư công như ngành vật liệt xây dựng, ngành thép, ngành đá... rất tích cực, với mức tăng bình quân lên tới 80-100%.
Mặc dù vậy, khi chưa có báo cáo tài chính hay chiến lược cụ thể của doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ nên kỳ vọng. "Nếu số liệu thực tế lộ ra bằng con số tốt và cụ thể thì theo tôi, sóng đầu tư công sẽ bền vững hơn trong năm", ông Hoàng nhận định.
Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc có thể là doanh nghiệp hưởng lợi, nhất là trong 6 tháng đầu năm nay, nên đây là một trong nhóm ngành cần chú ý. Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII hay xu hướng năng lượng xanh cũng là điểm nhấn với nhóm cổ phiếu năng lượng và xây dựng năng lượng.
Ngân hàng đứng trước nhiều thách thức nhưng với mức tăng trưởng tín dụng đặt ra ở 14-15% thì dư địa tăng trưởng ngân hàng cho năm 2023 là tương đối ổn định, dù áp lực so với năm 2022 lớn hơn.
Nhóm chứng khoán, theo ông Hoàng, nếu thị trường đã qua được giai đoạn xấu nhất và hồi phục về thanh khoản thì đây cũng là nhóm được kỳ vọng, nhất là vào giữa năm nay, hệ thống giao dịch mới được đưa vào vận hành sẽ hỗ trợ thanh khoản tích cực.
Năm nay, áp lực lạm phát là điều nhà đầu tư cần phải chú ý.
"Áp lực lạm phát thể hiện ngay ở con số chỉ tiêu của Chính phủ trong năm nay. Lạm phát bình quân hàng năm của chúng ta duy trì ở mức 4%, nhưng năm nay dự báo đã nới lên 4,5%. Thực tế, khu vực châu Âu và Mỹ, chỉ số CPI đã giảm, nhưng Việt Nam lại tăng bởi có độ trễ. Dù nhiều áp lực nhưng tôi kỳ vọng lạm phát vẫn nằm trong tầm khống chế 4,5% và theo tôi là có thể đạt được, thậm chí lên đến 5% vẫn có thể chấp nhận được, không có gì bất thường bởi kinh tế Việt Nam rất năng động", ông Hoàng chia sẻ.
Nhìn lại phiên giao dịch cuối tuần hôm nay, 10/2, VN-Index giảm 8 điểm, về 1.055 điểm; HNX-Index giảm hơn 2 điểm, về 208 điểm; UPCoM-Index tăng 0,09 điểm, lên 77,34 điểm.
Theo Giám đốc phân tích của VFS, thị trường vừa đi lên vừa điều chỉnh là điều bình thường nhưng vấn đề điều chỉnh đến đâu thì cần quan sát và theo dõi. Nhà đầu tư nên chờ đợi, nhất là khi tuần sau chốt giao dịch phái sinh tháng và sẽ là tuần còn nhiều biến động.