Chứng khoán Việt Nam thuộc nhóm tăng tốt nhất thế giới trong tháng đầu năm.
(DNTO) - Chứng khoán Việt Nam đã có tháng đầu năm tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2021 và là một trong những thị trường nằm trong nhóm có mức tăng tốt nhất thế giới với tỷ lệ tăng trên 10%.
Dù trải qua hai giai đoạn nghỉ lễ Tết Nguyên đán nhưng giao dịch của thị trường chứng khoán trong tháng 1 khá tích cực. Chỉ số VN-Index trải qua 16 phiên tăng điểm chốt tháng tại 1.111 điểm, tăng hơn 10,3% so với đầu năm, đưa thị trường Việt Nam vượt qua nhiều "tên tuổi" khác để nằm trong nhóm những thị trường tăng điểm tốt nhất thế giới.
Thống kê từ SSI Research, các thị trường nằm cùng nhóm với Việt Nam bao gồm: Mỹ với chỉ số NASDAQ, Hồng Kông với mức tăng trên 10%; theo sau là Pháp, Đức, Hàn Quốc với mức tăng trên 8%.
Trong khi đó, Malaysia và Indonesia là những thị trường có tăng trưởng kém với tỷ lệ âm lần lượt 0,7% và 0,2%.
Không chỉ so sánh với thế giới, ngay với thị trường trong nước, tháng 1 cũng là tháng VN-Index tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2021, cùng đó là sự tăng đồng thuận của nhiều nhóm ngành và nhiều chỉ số khác. Cụ thể, ngành vật liệu tăng 19%, nhóm tài chính tăng 13%, VN30 tăng hơn 11%, VNMidcap và VNSmallcap tăng lần lượt 9,8% và 8%.
Thực tế, tháng 1, thị trường ghi nhận khá nhiều thông tin không mấy tích cực: kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp niêm yết dần được hé lộ với mức lợi nhuận giảm hơn 30% so với qúy 4/2021, cùng đó là nhiều yếu tố vĩ mô không mấy thuận lợi.
Vai trò quan trọng của khối ngoại
Khối ngoại đóng vai trò to lớn cho sự tăng trưởng của thị trường tháng 1. Lực mua mạnh mẽ của khối này giai đoạn cuối năm tiếp tục diễn ra trong tháng đầu năm, tập trung vào các nhóm ngành: Ngành thép với HPG và ngành tài chính - ngân hàng với các mã như SSI, VND...
Dòng tiền vẫn tích cực từ các quỹ ETF và các quỹ chủ động đã tạo tiền đề cho giá trị nhiều cổ phiếu bật tăng, HPG tăng hơn 22%, SSI và VND cũng đều tăng trên 22%.
Giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh của toàn khối đạt hơn 6,7 ngàn tỷ đồng, thấp hơn tháng 12 do giai đoạn nghỉ Tết nhưng vẫn là con số đang ghi nhận.
Theo SSI, đây là "là yếu tố không có quá nhiều bất ngờ" do nhóm này đã giải ngân mạnh trước đó, nhưng về ngắn hạn, các chuyên gia duy trì quan điểm về trung lập đối với dòng vốn này. "Vẫn còn những thách thức từ tình hình vĩ mô trong nước và cũng không thể loại trừ việc dòng tiền chuyển hướng vào thị trường Trung Quốc khiến cho dòng vốn vào các nước lân cận yếu dần", SSI nhận định.
Mặc dù vậy, trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, lãi suất liên tục được điều chỉnh tăng, trong khi nhiều nhà đầu tư trong nước có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng, hạn chế giải ngân thì sự đóng góp của khối ngoại có ý nghĩa lớn đóng góp cho sự thành công của VN-Index, đồng thời cũng thể hiện niềm tin của nhà đầu tư ngoại với thị trường trong nước.
"Thị trường giăng co trong tháng 2"
Theo SSI, sau tháng 1 tăng mạnh, thị trường sẽ bước vào tháng 2 với kịch bản nhiều giằng co, tích luỹ. Thị trường trông chờ vào các yếu tố hỗ trợ đến từ các chính sách của Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp với Nghị định 65 sửa đổi kỳ vọng sớm được thông qua hay các chính sách tài khoá mở rộng. Xu hướng dòng vốn từ khối ngoại tích cực đang góp phần hỗ trợ củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, "làm nhẹ bớt những lo ngại về rủi ro ngắn hạn".
"Thị trường trong tháng 2 sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm định MA 20 ngày của chỉ số VNIndex. Nếu xây nền và giữ vững MA 20 ngày, khả năng mở rộng đà hồi phục theo xu thế đi lên từ cuối năm 2022 vẫn sẽ được duy trì với vùng mục tiêu 1.100-1.125 điểm. Ngược lại, rủi ro điều chỉnh giảm khả năng sẽ quay trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.050 điểm và xa hơn là nền giá 1.000 điểm", SSI nhận định.
Mặc dù vậy các chuyên gia cho biết, các yếu tố rủi ro vẫn tiềm ẩn như áp lực thanh khoản khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, khó khăn của thị trường bất động sản cho đến khi có các chính sách mới... SSI khuyến nghị nhóm cổ phiếu tháng 2 bao gồm GMD, FPT, STB, QNS, QTP.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, ngày 6/2, chỉ số VN-Index tăng hơn 12 điểm, chốt phiên tại 1.089 điểm.